Bản in
Ngành Giao thông vận tải: Tín hiệu tốt từ chuyển đổi mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Sau 6 năm thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có 2 tổ chức KH&CN chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ và đã có những kết quả ban đầu.

Thông tin trên được ông Trần Văn Lâm – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết tại buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với Bộ GTVT về tình hình triển khai Nghị định 115 và Nghị định 80 (về doanh nghiệp KH&CN) vào ngày 26/5 vừa qua.

Có tín hiệu tốt

Ông Trần Văn Lâm cho biết, năm 2006, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án chuyển đổi Viện KH&CN Giao thông vận tải từ hình thức hoạt động sự nghiệp có thu sang hình thức tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí (theo Khoản 1, Điều 4, Nghị định 115). Đồng thời, quyết định Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (CL&PT GTVT) chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo Khoản 3, Điều 4, Nghị định 115. 

Một số đơn vị trực thuộc 2 Viện này cũng đã được phê duyệt Đề án chuyển đổi sang hình thức tự trang trải kinh phí. Các đơn vị đều đã tự chủ về nhiệm vụ KH&CN, công tác tổ chức, nhân lực, hợp tác quốc tế và tài chính. Đồng thời xác định hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển dịch vụ KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm và chủ động tìm kiếm nguồn công việc để đảm bảo đời sống cho công nhân viên chức. Hơn 80% các đơn vị làm việc đạt hiệu quả tốt. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của các Viện tăng lên đáng kể.

Viện trưởng Viện KH&CN GTVT Doãn Minh Tâm cho biết, sau chuyển đổi, hoạt động dịch vụ KH&CN của Viện đã có những kết quả bước đầu, tăng trưởng đều 5-10%/năm, đặc biệt tăng mạnh với 15 – 20%/năm từ năm 2009 đến nay. Tính sơ bộ, doanh thu từ hoạt động dịch vụ KH&CN của Viện sau 4 năm chuyển đổi đã đạt gấp 2 lần so với doanh thu trước khi chuyển đổi cơ chế (đạt khoảng hơn 65% so với yêu cầu).

 

Ông Doãn Minh Tâm - Viện trưởng Viện KH&CN GTVT cho biết doanh thu
từ dịch vụ KH&CN tăng gấp đôi so với trước khi chuyển đổi. Ảnh:
NH

Hoạt động hợp tác quốc tế cũng thay đổi về chất. Từ chỗ phải ký kết liên danh với một số hãng tư vấn nước ngoài để làm thầu phụ thực hiện một số công việc như tư vấn giám sát, khảo sát thị trường, làm thí nghiệm kiểm tra chất lượng công trình trong một số dự án có yếu tố nước ngoài. Nay, ngoài việc ký kết liên danh như trên, Viện đã đứng ra ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ quan trọng với nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đan Mạch,…

Viện cũng chủ động triển khai sắp xếp lại bộ máy của Viện theo mô hình mới. Thay vì duy trì các phòng nghiên cứu khoa học như trước đây, Viện hình thành các đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN vừa gắn kết với hoạt động ứng dụng và triển khai dịch vụ KH&CN phục vụ sản xuất. Các đơn vị hạch toán trực thuộc Viện đều có con dấu riêng, được cấp giấy phép hoạt động KH&CN, có mã số thuế và được mở tài khoản tại Kho bạc. “Đây chính là điều kiện thuận lợi cơ bản để các đơn vị thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo sự phân cấp của Viện”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cũng nhờ chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, doanh thu từ dịch vụ KH&CN của Viện CL&PT GTVT tăng từ 3,4 tỷ đồng năm 2007 lên 9,9 tỷ đồng năm 2010. Viện đã phê duyệt 2 Trung tâm trực thuộc chuyển sang hình thức tự trang trải kinh phí, có con dấu riêng, có mã số thuế, và được mở tài khoản tại ngân hàng.

Nhiều cách hiểu sai về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Ông Doãn Minh Tâm – Viện trưởng Viện KH&CN GTVT chia sẻ, từ trước khi chuyển đổi đến nay, tình hình công nợ với kinh phí khá lớn của các đơn vị trực thuộc với Viện vẫn kéo dài chưa giải quyết dứt điểm được. Viện còn gặp khó khăn trong việc tách tài sản phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu chiến lược với hoạt động dịch vụ. Ông cho biết, một thiếu sót lớn không lường trước được khi xây dựng đề án là chưa đánh giá năng lực của các đơn vị trực thuộc.

Còn với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng có những khó khăn khi giải quyết thanh quyết toán với Kho bạc, thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu;…

Cả 2 Viện đều cho rằng, khi chuyển đổi, số lượng lao động dôi dư chiếm tỷ lệ khá cao (17% tại Viện KH&CN GTVT) và kinh phí giải quyết chế độ cho lực lượng này rất khó.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, việc giải quyết vấn đề lao động dôi dư không khó, quan trọng các đơn vị phải mạnh dạn xác định thành phần lao động dôi dư. Có thể giải quyết vấn đề lao động dôi dư theo Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, theo Luật Lao động, luân chuyển cán bộ,…

Còn về tài sản, tài sản của đơn vị có thể sử dụng để sản xuất, kinh doanh nhưng trong đề án chuyển đổi phải tách bạch danh mục tài sản làm 2 phần: tài sản dùng để nghiên cứu sẽ chịu hao mòn, quản lý như hiện nay; tài sản dùng sản xuất kinh doanh phải tính khấu hao như doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp khó tách bạch do tài sản liên quan đến nhau khi hoạt động sẽ có một giải pháp trung gian. Cụ thể, các đơn vị lên kế hoạch phân bổ thời gian sử dụng thiết bị như văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 đã quy định. Ví dụ 1 sản phẩm có thể dùng cho nghiên cứu 5.000 giờ, còn lại 2.000 giờ cho sản xuất kinh doanh. Phần vốn cố định sẽ chia thành 2 phần, 70% là hao mòn, 30% khấu hao. Nghị định 115 cho phép khấu hao đó không phải nộp vào ngân sách nhà nước mà được giữ lại đơn vị để tái đầu tư. Như vậy là rất thuận lợi, Thứ trưởng Nguyên Quân nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đã nêu rất cụ thể, chi tiết những ưu thế khi chuyển sang hoạt động theo 2 cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời cho rằng các đơn vị vẫn còn có những cách hiểu chưa đúng về 2 Nghị định này. Thực chất, Nhà nước chỉ thay đổi phương thức cấp kinh phí và vẫn hỗ trợ tối đa cho các đơn vị chứ không cắt kinh phí khi chuyển đổi như nhiều đơn vị đang lo ngại.

Nghị định 115 yêu cầu các tổ chức KH&CN chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và người đứng đầu đơn vị được quyền tự chủ cao nhất. Các đơn vị sự nghiệp khoa học được quyền sản xuất kinh doanh và được cấp kinh phí kinh doanh như doanh nghiệp, được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp. Một bộ phận của tổ chức KH&CN tự chủ, tự chịu trách nhiệm có thể tách ra và đăng ký kinh doanh. Hiện nay, ưu đãi cho loại hình doanh nghiệp này rất lớn, có thể dùng con dấu của đơn vị sự nghiệp để kinh doanh mà không cần dấu của doanh nghiệp. Đồng thời, được hưởng ưu đãi cao nhất của thuế hiện nay: 4 năm hoàn toàn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, 9 năm chỉ phải nộp 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất chỉ có 10% trong khi các doanh nghiệp khác phải chịu 25%.

Các Viện đều cho rằng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là bước đi tất yếu và cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN và đều đã thực hiện rất quyết liệt việc này. Tuy nhiên, để tự chủ và “sống khỏe” nhờ kết quả nghiên cứu như nhiều đơn vị của các Bộ, ngành khác đã làm được, các tổ chức KH&CN phải nắm thật chắc các quy định cũng như những ưu đãi của Nhà nước, đưa đơn vị phát triển nhanh, ổn định. 

Nguyễn Hạnh