Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ mô hình DN KH&CN
Theo nhiều nghiên cứu, khái niệm “vườn ươm doanh nghiệp” xuất hiện từ năm 1959 tại Mỹ gắn với sự kiện Mann Library Joe người Mỹ thành lập vườn ươm công nghiệp đầu tiên ở New York. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, số lượng, loại hình vườn ươm doanh nghiệp đã phát triển mạnh tại nước này, sau đó lan rộng sang Châu Âu, Châu Á. Tại Hội thảo “Chính sách tạo môi trường hình thành và phát triển DN KH&CN”, TS. Nguyễn Nghĩa – Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho biết, đến cuối năm 1998, trên thế giới có hơn 3.300 vườn ươm công nghiệp, trong đó Mỹ có 750, Châu Âu có 2.334. Nhiều quốc gia đang phát triển và quốc gia chuyển đổi kinh tế cũng ra sức phát triển vườn ươm công nghiệp, hiện tại Brazil có 50, Nga có 35, Ba Lan có 30, Trung Quốc có trên 100.
Theo báo cáo công bố gần đây nhất của Hiệp hội Vườn ươm doanh nghiệp Mỹ, 87% doanh nghiệp tốt nghiệp vườn ươm sau 5 năm vẫn đang vận hành, 80% doanh nghiệp nhỏ thường đều phá sản trong vòng 5 năm. 750 vườn ươm của Mỹ đã tăng khoảng 190.000 công ty và 245.000 cơ hội việc làm cho phát triển kinh tế. Có thể thấy, vườn ươm là công cụ phát triển công nghiệp vườn ươm của Mỹ, có vai trò quyết định đối với phát triển doanh nghiệp nhỏ.
Giáo sư Venni V. Krishne - Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) - cho biết, nền tảng KH&CN của Ấn Độ được xây dựng từ năm 1940, năm 1991 là bước ngoặt quan trọng với việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài, mở rộng cho DN tư nhân công nghiệp, chuyển sang hướng ngoại bằng nội lực, tập trung cho giáo dục đào tạo, phát triển công nghệ dược, sinh học, công nghệ thông tin... cải cách KH&CN theo hướng thương mại hoá kết quả R&D, thúc đẩy đầu tư mạo hiểm, có chính sách miễn thuế cho KH&CN, xây dựng các công viên, vườn ươm công nghệ...
Thành công lớn nhất là công nghiệp phần mềm với doanh thu gần 60 tỉ USD vào năm 2009, dự kiến tăng đến 110 tỉ USD vào năm 2013, tiếp đến là công nghiệp dược với phát minh ra các loại thuốc mới, giá rẻ; trong lĩnh vực công nghệ sinh học, có thể kể đến cuộc cách mạng trắng (sữa), cách mạng xanh (năng suất cây trồng, ứng dụng vào y tế)... Ngoài ra, số lượng cán bộ chuyên môn đã tăng từ 0,52 triệu người năm 2002 lên tới 2,3 triệu người năm 2009. Kế hoạch 5 năm 2007 - 2012, Ấn Độ tăng chi cho R&D từ 1,1% lên 2% GDP hướng vào công nghệ sinh học, công nghệ nano, ưu tiên giáo dục đào tạo theo ưu thế nguồn nhân lực của Ấn Độ với 51% dân số dưới 25 tuổi.
Hố ga ngăn mùi và thu nước mưa kiểu mới do Busadco nghiên cứu (Ảnh: N.Hạnh)
Hình thành DN KH&CN ở Việt Nam
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, DN KH&CN của Việt Nam được hình thành gắn liền với việc ươm tạo công nghệ. Một số cơ sở ươm tạo doanh nghiệp cũng đã hình thành và bắt đầu hoạt động có hiệu quả như: Vườn ươm công nghệ FPT, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Tinh Vân, Vườn ươm CRC (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Vườn ươm Phú Thọ (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội (HBI), Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm thành phố Hồ Chí Minh (SBI), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc (Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc).
Một số công ty đã tách khỏi Viện nghiên cứu, công ty “mẹ” và hình thành doanh nghiệp như Trung tâm Nghiên cứu phân bón của Viện Hoá học Công nghiệp tách khỏi Viện để trở thành Doanh nghiệp Phân bón năm 1990; Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia tách khỏi Viện trở thành Công ty Phụ gia và Dầu nhờn APP năm 1996.
Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2007/NĐ-CP về các cơ chế chính sách khuyến khích và thúc đẩy sự hình thành và phát triển DN KH&CN tại Việt Nam. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định này, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN, tạo nên một lực lượng sản xuất mới, đó là các DN KH&CN, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Tính đến tháng 11/2010, đã có khoảng 13 DN KH&CN được thành lập mới và chuyển đổi từ các tổ chức KH&CN. Ngoài ra, có một số lượng lớn các doanh nghiệp đủ điều kiện của DN KH&CN và đang làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận DN KH&CN.
Các doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều doanh nghiệp đã “ăn nên làm ra” nhờ chuyển đổi mô hình.
Có thể nói đến Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco). Sau khi được công nhận là DN KH&CN, uy tín và vị thế của tổ chức đã tăng lên rõ rệt. Doanh nghiệp có số lượng hợp đồng ký kết có giá trị hàng trăm tỉ đồng, trên cơ sở ứng dụng các kết quả nghiên cứu về hệ thống thoát nước đô thị đã được cấp bằng sáng chế. Tổng doanh thu hằng năm khoảng 100 tỉ đồng, riêng năm 2009 là 128 tỉ đồng. Doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN hằng năm chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng doanh thu của công ty. Cụ thể, năm 2008 chiếm 85,5%, năm 2009 chiếm 85,9% tổng doanh thu.
Cũng như Busadco, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Việt Nam cũng đã có doanh thu hàng năm đạt gần 100 tỉ đồng nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực sinh học do chính công ty nghiên cứu. Công ty được thành lập năm 2001 gồm hai thành viên là Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon và Công ty cổ phần BiFi với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các loại phụ gia bêtông, các loại hoá chất, phân bón, chất điều hoà sinh trưởng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Theo Nghị định này, doanh nghiệp được thành lập trước khi ban hành Nghị định 80 nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN và được hưởng các ưu đãi đối với DN KH&CN; các DN KH&CN được lựa chọn việc sử dụng đất; bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, viên chức từ tổ chức KH&CN chuyển sang làm việc tại DN KH&CN;... Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai hiệu quả nghị định này. Bộ KH&CN cũng đã xây dựng “Chương trình hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP và phát triển DN KH&CN theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo phân tích kinh nghiệm phát triển DN KH&CN một số nước trên thế giới, có thể thấy Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, với tư cách “bà đỡ” giúp các DN KH&CN hình thành, phát triển và khẳng định sự thành công của mình trên thị trường. Tại Việt Nam, Nhà nước cũng đã hỗ trợ rất tích cực cho việc hình thành và phát triển các DN KH&CN. Việc ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển DN KH&CN, thay đổi cơ chế cho phù hợp với thực tiễn, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định,... thời gian qua là minh chứng cho điều này.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình hình thành lực lượng sản xuất mới là các DN KH&CN với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao xuất phát từ kết quả nghiên cứu KH&CN, việc nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài sẽ rất cần thiết với Việt Nam.
Nguyễn Hạnh
|