Bản in
Hỗ trợ nâng cao tiềm lực tổ chức nghiên cứu và phát triển
Theo dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập sẽ được Nhà nước hỗ trợ để nâng cao tiềm lực, giao quyền tự chủ về tài chính, nhân lực... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, song song với đó, Nhà nước cũng có cơ chế đánh giá, kiểm soát định kỳ về hiệu quả hoạt động để làm căn cứ hỗ trợ kinh phí, điều chỉnh hoạt động, đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức đó.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Bộ KH&CN với Viện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội  (KHXH) Việt Nam về nội dung Dự án Luật KH,CN&ĐMST chiều ngày 27/12/2024.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST quy định, tất cả các đề tài có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) kinh phí sẽ chuyển về ngân sách chung của đơn vị chủ trì và chi tiêu theo quy chế chi tiêu nội bộ, trừ những khoản không được khoán. Có 3 loại nguồn chi chính gồm: Kinh phí hỗ trợ hoạt động, kinh phí tăng cường năng lực do Nhà nước cấp dựa trên kết quả đánh giá định kỳ và hiệu quả hoạt động; kinh phí từ các nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng, tuyển chọn; kinh phí từ các nguồn tài trợ, hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, lợi nhuận từ việc góp vốn, thành lập doanh nghiệp và các nguồn thu khác.
 
Song song với đó, Dự thảo Luật cũng đưa vào cơ chế mới, đó là sẽ đánh giá, kiểm soát định kỳ về hiệu quả hoạt động để làm căn cứ hỗ trợ kinh phí, điều chỉnh hoạt động, đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của tổ chức đó. “Hiệu quả hoạt động sẽ được quy định cụ thể trong nghị định hướng dẫn gồm các tiêu chí đầu ra như số bài báo, sáng chế... và tiêu chí đầu vào thể hiện hiệu quả của tổ chức như duy trì nguồn nhân lực, nguồn kinh phí tăng thêm...”, Thứ trưởng cho biết thêm.
 
Với cơ chế tự chủ nói trên, cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ các tổ chức KH&CN công lập, rà soát, đánh giá hiệu quả, giảm đầu mối, tạo điều kiện hình thành các tổ chức nghiên cứu mạnh và giải thể, sáp nhập các tổ chức hoạt động không hiệu quả theo đúng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Các tổ chức KH&CN cũng cần phải tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân bổ công việc trong đơn vị hợp lý, hiệu quả.
 
Về nhân lực, tổ chức KH&CN được hợp tác, liên doanh, nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động KH&CN và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cử cá nhân trong tổ chức tham gia điều hành doanh nghiệp được tổ chức đó thành lập từ kết quả nghiên cứu và phát triển, làm việc định kỳ tại doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập được phép có các cán bộ đồng cơ hữu với các cơ sở giáo dục đại học sử dụng cơ chế trả lương theo tỉ lệ thời gian làm việc. Bên cạnh đó, có cơ chế để hạn chế tình trạng nhân lực được trả lương, làm việc tại một tổ chức nhưng lại sử dụng kết quả nghiên cứu với tư cách cá nhân với tổ chức khác. Dự thảo Luật cũng đã sửa nội dung lợi nhuận chia cho nhà khoa học, người hỗ trợ nghiên cứu.
 
Thống nhất cao với những nội dung Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết 54, Nghị quyết 57. Ông đánh giá rất cao một số nội dung đã được đề cập trong Dự thảo Luật, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế như nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, quy định về đạo đức nghiên cứu, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư để nâng cao năng lực cho tổ chức nghiên cứu và phát triển...

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh trao đổi lại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc của Viện, như vướng thuê chuyên gia nước ngoài làm Viện trưởng viện nghiên cứu; khó trả lương nhân lực là người nước ngoài, ông đề xuất có thể sử dụng kinh phí đề tài để thuê nhân lực trong và ngoài nước và có cơ chế trả lương; đề xuất kinh phí thu được từ chuyển giao công nghệ được tái đầu tư nâng cao năng lực cho cơ quan, đơn vị chứ không bị giảm kinh phí cấp theo cơ chế tự chủ.
 
Về việc quản lý các tạp chí KH&CN, theo Dự thảo Luật, tạp chí KH&CN là xuất bản phẩm định kỳ nhằm công bố kết quả nghiên cứu, phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Hội đồng biên tập của tạp chí gồm các chuyên gia để xét chọn các bài viết đăng trên tạp chí. Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh đề xuất Dự thảo Luật nên bổ sung tiêu chí đặc biệt cho đối tượng nhà khoa học đầu ngành bổ nhiệm giữ chức vụ tổng biên tập tạp chí, ví dụ tiêu chí liên quan đến việc hoàn thành các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã trao đổi, đề xuất, góp ý nhiều nội dung như: đề xuất về chương trình KH&CN cấp cơ sở; bổ sung nội dung chi NSNN cho hoạt động KH&CN và quản lý của tổ chức KH&CN; quy định rõ nhiệm vụ tăng cường năng lực cho tổ chức KH&CN; quy định cơ quan tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN...
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên