|
|||
Sửa đổi theo hướng cập nhật thực tiễn Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Luật KH&CN 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do vậy, Luật KH&CN 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); cập nhật những vấn đề mới của KH&CN trong nước và thế giới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật. Việc sửa đổi Luật KH&CN nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng: tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ dự án luật; nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng.
Theo đó, có 8 nhóm chính sách liên quan được đề xuất trong quá trình xây dựng Luật. Đó là: đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST; đổi mới quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; đổi mới hoạt động của tổ chức KH&CN; phát triển nhân lực KH,CN&ĐMST; đổi mới phương thức triển khai chương trình, nhiệm KH&CN gắn với hiệu quả; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST; phát triển hạ tầng KH,CN&ĐMST; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST. 8 chính sách này có mục tiêu bao quát hoạt động KH,CN&ĐMST ở cả 3 trụ cột chính của hệ thống ĐMST quốc gia là tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và phổ biến tri thức.
Về tên Luật, Bộ KH&CN đưa ra hai phương án: Phương án 1: Luật KH&CN (sửa đổi); Phương án 2: Luật KH,CN&ĐMST. Bộ KH&CN đề xuất phương án 2 để phù hợp với việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Bộ KH&CN cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến quy định đối với các quỹ trong lĩnh vực KH&CN như: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia; Quỹ Phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng một số nội dung đề xuất khác.
Tạo sự thống nhất với các Luật liên quan
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhất trí tầm quan trọng của dự án Luật và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo rất lớn trong thời gian tới. Đồng ý với cách tiếp cận của Bộ KH&CN đưa ra trong quá trình xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên vấn đề về tính kết nối, đồng bộ với các Luật liên quan cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ví dụ, lĩnh vực công nghệ có các Luật liên quan như: Công nghệ cao, Công nghệ thông tin. Do đó, cần đặt vấn đề sửa tổng thể, toàn diện đối với dự án Luật này; trong đó cần có sự thống nhất với các luật liên quan.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, để dự án Luật được sửa đổi đạt yêu cầu như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, cần có bước đánh giá Luật hiện hành để nhìn nhận những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay; từ đó có hướng nghiên cứu, bổ sung những quy định phù hợp tình hình mới.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận công tác chuẩn bị, xây dựng dự án Luật KH&CN (sửa đổi) của cơ quan thường trực là Bộ KH&CN; yêu cầu Bộ cung cấp hồ sơ xây dựng Luật cho từng thành viên Ban Chỉ đạo để có đóng góp xác đáng cho dự án Luật quan trọng này.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật KH&CN (sửa đổi)
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhất trí với đề xuất của Bộ KH&CN lựa chọn phương án 2 cho tên gọi Luật là: Luật KH,CN&ĐMST. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả những điều khoản khác không hợp lý cho việc thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST ở các luật khác đều có quyền được đề cập và sửa đổi theo Luật này”.
Thống nhất đề xuất về quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo do Bộ KH&CN soạn thảo, Phó Thủ tướng góp ý, quy chế cần theo hướng ngắn gọn hơn; đề nghị, các thành viên cần nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng dự án Luật theo hướng tiệm cận với thế giới. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, biên soạn được dự án Luật thực sự có chất lượng, bám sát thực tiễn, phấn đấu đạt kế hoạch trình Quốc hội dự án Luật vào tháng 5/2025.
Bài, ảnh: PV |