|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) xoay quanh vấn đề này. Xin ông cho biết một số chính sách nhằm hỗ trợ hệ sinh thái KNST quốc gia hiện nay?
Ông Phạm Hồng Quất: Với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển cùng với sự dẫn dắt của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế... Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) công bố vào tháng 10 năm 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia xếp hạng. Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái của các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới. Sau thời kỳ Covid, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD Mỹ năm 2022, và đạt 413 triệu USD Mỹ trong nửa đầu năm 2023.
Trong giai đoạn vừa qua, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) và một số chương trình, đề án của Chính phủ đã tạo những nền tảng cơ bản cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia và hệ sinh thái này đang phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu hướng quốc tế. Cùng với đó là một số chính sách đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, có thể kể đến như: Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Trong hệ sinh thái KNST hiện nay, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 khu làm việc chung; 200 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; hàng chục cơ sở ươm tạo…
Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động KNST. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.
Một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái KNST của Việt Nam là chúng ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước; đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái KNST Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ.
Sản phẩm của dự án khởi nghiệp VieRobot
Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng và được cải thiện trên trường quốc tế như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD.
Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022 và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.
Hệ sinh thái KNST quốc gia đến nay đã hình thành, bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu…
Các thành tố trong hệ sinh thái chính sách, tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, ĐMST và sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Nhìn chung, với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển cùng với sự dẫn dắt của Chính phủ, Bộ KH&CN, vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế...
Hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, ĐMST với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp.
Hệ sinh thái ở các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương… đang có tiềm năng phát triển lớn, cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng KNST, cải thiện môi trường kinh doanh, lọt top các hệ sinh thái KNST trên toàn cầu.
Vậy để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, cần những chính gì đột phá gì, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quất: Để nâng tầm hệ sinh thái KNST quốc gia giúp Việt Nam thực sự là trung tâm khởi nghiệp của khu vực, sản sinh ra nhiều "kỳ lân", trong giai đoan tới, cần có nhiều chính sách đột phá hơn nữa trong việc tạo nguồn lực, thị trường cho khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST trong nước.
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách và tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển ĐMST và KNST, tạo hành lang pháp lý để thu hút các nguồn lực cho phát triển ĐMST và KNST, đóng góp tích cực vào đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể là: làm rõ khái niệm, nội hàm, thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong hệ thống văn bản pháp luật, quy định về điều kiện, tiêu chí… đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và KNST, đề xuất các chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho ĐMST, KNST, mô hình quỹ quốc gia về ĐMST, KNST, các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công...
Hai là, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp KNST cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Trước mắt, Bộ KH&CN phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân kết nối, phát triển hệ sinh thái; khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước, nước ngoài; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho hệ sinh thái KNST quốc gia...
Ba là, ở cấp độ địa phương, các địa phương cần có những giải pháp chính sách sáng tạo, đặc thù để thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt cần khai thác hiệu quả nguồn chuyên gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế và mạng lưới sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cũng cần tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm ĐMST...
Xin cảm ơn ông.
Bài, ảnh: Đăng Minh
|