Bản in
Xây dựng các trường đại học theo hướng đại học nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh
Hiện nay, nhiều trường đại học (ÐH) tại TP Hồ Chí Minh chọn hướng phát triển trở thành ÐH nghiên cứu, trong đó tập trung đầu tư nâng cao vị thế về khoa học công nghệ. Ðây là mô hình trường ÐH có sự kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ðầu tư lớn cho hoạt động khoa học

ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh là trường ÐH đa ngành, đa lĩnh vực, gồm sáu trường ÐH thành viên và các khoa, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trực thuộc. Những năm qua, trường đã chọn hướng xây dựng trở thành một trường ÐH nghiên cứu. Tới thăm phòng thí  nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống của ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh có thể thấy trường tập trung đầu tư khá bài bản vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Ðây là phòng thí nghiệm được đầu tư 69,7 tỷ đồng, gồm bảy phòng thí nghiệm trực thuộc về tạo mẫu nhanh, rô-bốt, cơ điện tử, điều khiển tự động, đo lường... có chức năng khai thác các chương trình NCKH và công nghệ mang tính chiến lược thuộc lĩnh vực điều khiển số, kỹ thuật hệ thống và thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ.

 Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Hoàng Dũng, Trưởng Ban khoa học và Công nghệ ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Xác định hoạt động khoa học công nghệ là một trong bốn nhóm chiến lược phát triển, nhà trường tập trung đầu tư lớn cho các hoạt động khoa học, trong đó có tập trung xây dựng mới và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, đẩy mạnh  NCKH.

Từ năm 1999 đến nay, trường đã đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng xây dựng 62 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa học và công nghệ hóa học; cơ khí tự động hóa; điện- điện tử; năng lượng; sinh học và công nghệ sinh học; khoa học trái đất và môi trường, v.v.. và đã có hơn 40 dự án được hoàn thành. Ðến nay, ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp trường. Ngoài ra, ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh dành nguồn kinh phí lớn cho các đề tài, dự án NCKH, riêng giai đoạn 2006-2010 đã dành 161 tỷ đồng cho các đề tài/dự án NCKH gấp hai, ba lần giai đoạn 2001-2005.

Nhiều trường ÐH tại TP Hồ Chí Minh cũng đầu tư mạnh mẽ về NCKH cơ bản và ứng dụng như: ÐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh,... Những năm qua, ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh luôn coi NCKH là một trong hai nhiệm vụ chính trị quan trọng. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, trường tập trung các nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, hướng tới trở thành một trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực y dược. Ðể  thúc đẩy hoạt động NCKH, mỗi khoa của trường đều thành lập Ban khoa học Công nghệ, trong đó Khoa dược là một trong những khoa đầu tư lớn về NCKH. Năm 2010, khoa đầu tư 400 triệu đồng cho các đề tài NCKH, tăng hai lần so với năm 2005. Nói về hoạt động khoa học công nghệ của Khoa dược, GS, TS Nguyễn Minh Ðức, Trưởng Ban Công nghệ của khoa cho biết: 'Những năm qua nhà trường luôn chú trọng về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ NCKH. Hiện trường có  83/133 giảng viên có trình độ cao học, 25 giáo sư, phó giáo sư và lực lượng sinh viên đông đảo là nguồn lực mạnh để phát triển NCKH. Nhà trường đã  xây dựng và đầu tư chuyên sâu về hệ thống la-bo xét nghiệm, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về  thuốc có nguồn gốc tự nhiên, trung tâm dược động học, phòng thí nghiệm về nghiên cứu sinh vật, phân tử... phục vụ NCKH'.

 Một trong những khó khăn của các trường ÐH trong phát triển khoa học công nghệ là cần nguồn kinh phí đầu tư lớn xây dựng và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, kinh phí cho các đề tài, dự án. Ðể giải quyết khó khăn này, ngoài nguồn kinh phí Nhà nước cung cấp, các trường huy động các kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau như:  thông qua sự hợp tác các doanh nghiệp, với các địa phương, các chương trình hợp tác quốc tế.

Từ nghiên cứu đến chuyển giao công nghệ

Việc đầu tư đúng mức cho hoạt động khoa học công nghệ của các trường ÐH đã tạo sức hút để cán bộ, sinh viên tham gia NCKH. Trong giai đoạn 2006-2010 ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh có hơn 620 đề tài NCKH, 700 bài đăng trên các báo, tạp chí quốc tế và 1.580 bài đăng trên các báo, tạp chí trong nước. Từ các chương trình nghiên cứu, sinh viên của trường tích cực tham gia và đoạt giải thưởng tại cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương, giải Eureka của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, giải thưởng của Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức. Nhiều công trình nghiên cứu của sinh viên được đánh giá cao. Trường xây dựng các nhóm nghiên cứu trọng điểm gắn với thế mạnh của các trường ÐH thành viên như: về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), công nghệ sinh học; (ÐH Khoa học Tự nhiên), Cơ khí - tự động hóa (ÐH Bách khoa),...

ÐH  Y dược TP Hồ Chí Minh đã gắn kết hoạt động NCKH và đào tạo, trong đó hạt nhân của chương đào tạo theo hướng nghiên cứu chất lượng cao, bằng cách đẩy mạnh hoạt động NCKH trong cán bộ trẻ và sinh viên. Số lượng đề tài NCKH của các khoa không ngừng tăng lên. Riêng Khoa dược các đề tài cấp cơ sở, thành phố, cấp bộ và Nhà nước đều tăng nhanh, trong đó cấp cơ sở tăng từ hơn 200 đề tài giai đoạn 2000- 2005 lên hơn 400 đề tài giai đoạn 2006-2010. Bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những hạn chế lớn nhất của các trường ÐH là số lượng bài báo nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội còn ít,  chưa huy động số lượng lớn giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đề tài nghiên cứu còn nhiều khó khăn. Ðể khắc phục khó khăn này các trường có nhiều cách làm linh hoạt như: xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp và các địa phương, thành lập doanh nghiệp về công nghệ, trung tâm sở hữu trí tuệ, v.v.

Vì vậy, các đề tài, dự án NCKH được chuyển giao công nghệ ngày càng tăng.  Tới tìm hiểu hoạt động chuyển giao công nghệ ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh, chúng tôi gặp các kỹ sư phòng thí nghiệm  điều khiển số và kỹ thuật hệ thống đang chuẩn bị công tác chuyển giao sản phẩm hệ thống thu nhận và xử lý dữ liệu mưa và ngập lụt trên diện rộng. Sản phẩm sẽ được chuyển giao giúp TP Hồ Chí Minh xử lý nhanh những thông tin về mưa ngập. Ðây là một trong hàng trăm đề tài, dự án NCKH của ÐH quốc gia TP Hồ Chí Minh được chuyển giao. Các đề tài dự án được chuyển giao từ năm 2006 đến nay có doanh thu gần 345 tỷ đồng.

Tại Khoa dược (ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh) năm 2009-2010 đã chuyển giao được 13 đề tài với nguồn kinh phí hơn 600 triệu đồng thông qua cách thức chuyển giao như: tư vấn đề tài, nghiên cứu theo đơn đặt hàng, công nghệ sản xuất trên các lĩnh vực dược liệu, tin học, kiểm nghiệm... GS, TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Khoa dược, ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết: 'Việc chuyển giao công nghệ là cách để lấy đề tài nuôi đề tài, thúc đẩy các hoạt động khoa học tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường. Các đề tài được chuyển giao không những tạo uy tín cho trường mà còn đưa hoạt động NCKH trong các trường ÐH phục vụ sự phát triển xã hội.

Xây dựng các trường ÐH theo hướng ÐH nghiên cứu là một hướng đi đúng nhưng còn mới ở nước ta. Nhiều trường ÐH tại TP Hồ Chí Minh đã có những cách làm sáng tạo, đầu tư lớn cho hoạt động khoa học công nghệ, tạo môi trường đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế đạt kết quả cao. Những kết quả bước đầu ấy không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước.

 (Theo Nhân dân)