|
|||
Cần sớm xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng AI Thông tin được các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Hội thảo “Sử dụng AI có trách nhiệm” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội AI Việt Nam (AI4VN 2023) chiều 21/9/2023. Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, nhà khoa học, các bạn trẻ yêu công nghệ. Có thể thấy, trong những năm qua, trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và ngành AI nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, thâm nhập vào nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội như thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, nông nghiệp, phát triển đô thị. Là một trong những công nghệ mới nổi và có tốc độ phát triển nhanh, AI được dự báo có nhiều tác động sâu sắc tới xã hội, trong đó có cả những tác động tích cực và những rủi ro không lường trước. Việc xây dựng các quy định quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, đạo đức để phát huy lợi ích và giảm thiểu tác hại của AI đang trở thành chủ đề nóng được nhiều chính phủ, các diễn đàn quốc tế đa phương, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng quan tâm. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Theo đó, AI sẽ trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, Chiến lược đã xác định một trong những định hướng là “Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống. Đồng thời phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, AI nhận được quan tâm, đầu tư của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy AI đã có sự phát triển vượt bậc và có tiềm năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cũng đặt ra các thách thức, trong đó có việc sử dụng AI có trách nhiệm Theo PGS.TS. Dương Đức Anh, sử dụng AI có trách nhiệm không phải là một sự lựa chọn mà là “một nhiệm vụ của cộng đồng các nhà phát triển, nhà triển khai công nghệ AI và người dùng”. Vấn đề này đang được thảo luận sôi nổi ở các quốc gia trên thế giới, trong đó EU và một số quốc gia bước đầu đã dự thảo hoặc ban hành những quy định và công cụ để quản lý AI một cách có trách nhiệm. TP. Hồ Chí Minh đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI, có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Cơ hội, thách thức và những rủi ro liên quan Phát biểu tại sự kiện, bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh cho rằng, công nghệ AI ngày nay đang phát triển mạnh, mở ra cơ hội lớn trên thế giới trong nhiều ngành nghề như: y khoa, giáo dục, nông nghiệp... Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU) cho biết, các tiếp cận về AI hiện nay gồm: AI có trách nhiệm, đạo đức AI và AI tạo sinh. Ông Bùi Thu Lâm cũng chỉ ra một số thách thức gồm vấn đề đào tạo nhân lực, cơ sở dữ liệu và cần chia sẻ tính toán trung tâm, đặc biệt cần chú trọng hơn về ứng dụng ở từng ngành. Đến từ Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Bích Thảo cho rằng, hệ thống pháp luật cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ mới nhưng đồng thời đảm bảo sự công bằng, an ninh an toàn cho xã hội.
Các đại biểu tham quan Triễn lãm AI. “Trong bối cảnh hiện nay, AI đang đặt ra thách thức đối với hệ thống pháp luật, đồng thời tạo ra các giải pháp pháp lý - công nghệ để góp phần giải quyết hiệu quả, tối ưu hơn các vấn đề pháp lý truyền thống. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự cải cách bằng cách tạo lập nền tảng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo; điều chỉnh kịp thời những mô hình kinh doanh, công nghệ, mối quan hệ xã hội mới xuất hiện. Song quá trình cải cách pháp luật không thể nóng vội”, TS. Nguyễn Bích Thảo cho biết thêm. Để làm rõ hơn cách thức sử dụng công nghệ AI có trách nhiệm, các diễn giả thuộc Viện Alan Turing đã có bài trình bày về Chiến lược phát triển và Sách trắng quy định về AI tại Vương quốc Anh; sáng kiến, giải pháp để phát triển tiêu chuẩn AI hiệu quả, có trách nhiệm và các vấn đề đạo đức và quá trình ra quyết định chính sách. Bài, ảnh: Mai Hà |