|
|||
Khẳng định chủ thuyết phát triển của Việt Nam Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" của cố Giáo sư Nguyễn Đức Bình là 1 trong 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Công trình khẳng định tư tưởng xuyên suốt và bảo vệ chủ thuyết phát triển của Việt Nam thời đại ngày nay, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Công trình đã luận giải một cách sâu sắc, có cơ sở lý luận - thực tiễn những nguyên nhân khách quan và chủ quan về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu; luận giải một cách thuyết phục về tính tất yếu lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do sự lựa chọn của chính thực tiễn lịch sử Việt Nam.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước cho đại diện tác giả công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay".
Công trình đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh như: Phép biện chứng duy vật, những vấn đề phương pháp luận, đến mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về văn hóa và con người, về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, về dân chủ hóa trong Đảng, xây dựng văn hóa Đảng, chống tự diễn biến, về giáo dục chính trị tư tưởng, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, về đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện hiện nay.
Giá trị và tầm ảnh hưởng của công trình gắn chặt với vai trò, trách nhiệm của tác giả, với tư cách là một người cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Nhờ vậy, đã được lan tỏa một cách sâu rộng trong xã hội, đến nay vẫn còn giá trị đối với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đổi mới ở Việt Nam. Công trình đã góp phần vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Làm sáng tỏ diện mạo phong trào chống chủ nghĩa thực dân
Công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" của cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm là 1 trong 17 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Công trình có đóng góp lớn trong nghiên cứu và làm sáng tỏ diện mạo nội dung, đặc điểm, tính chất và vai trò, vị trí của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX; trình bày, nêu bật được những nhận định khoa học mang tính tổng kết về đặc điểm, bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước cho đại diện tác giả công trình "Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam".
Tác giả đã đi sâu khảo sát, nghiên cứu về tiểu sử, hàng trang của các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, trên cơ sở đó khẳng định đóng góp và ảnh hưởng quan trọng của họ với lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đặc biệt là những nhận định đánh giá khách quan, có tính thuyết phục cao của GS. Đinh Xuân Lâm về những nhân vật lịch sử có hành trang phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau đã có tiếng vang rất lớn trong giới khoa học xã hội và nhân văn trong nước, có ý nghĩa định hướng trong việc hình thành nên những quan điểm, nhận thức hiện đại của giới nghiên cứu trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.
Công trình nghiên cứu của Giáo sư Đinh Xuân Lâm còn góp phần làm thay đổi nhận thức và cách đánh giá của giới sử học Việt Nam về một số vấn đề nhạy cảm đã gây ra các cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ sau năm 1954. Thông qua các công trình nghiên cứu và các bài giảng được tiến hành trong suốt nửa thế kỷ (từ 1956 đến cuối những năm 1990), góp phần đào tạo, hình thành nên các thế hệ nhà sử học Việt Nam hiện đại, những người đang trực tiếp hoặc gián tiếp nghiên cứu, khám phá và dẫn dắt nền sử học nước nhà trên các cương vị và vai trò khác nhau.
Phục dựng lại bức tranh về chế độ ruộng đất tại Việt Nam
Cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII: Tập I: Thế kỷ XI - XV; Tập II: Thế kỷ XVI – XVIII” của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trương Hữu Quýnh là 1 trong 17 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Đây được coi là chìa khóa giúp nhận thức đầy đủ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam thời trung đại như thiết chế chính trị, cơ cấu nền kinh tế, hệ tư tưởng, bản sắc văn hóa dân tộc. Công trình nghiên cứu góp phần nhận diện rõ hơn về hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam thời trung đại, đồng thời có giá trị cao về KH&CN, là chuyên khảo sớm nhất và duy nhất cho đến nay đã phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về chế độ ruộng đất (trong 8 thế kỷ từ thế kỷ XI đến XVIII). Để triển khai và hoàn thành cụm công trình trên, tác giả đã dày công sưu tầm, khai thác, giám định văn bản một nguồn tư liệu vô cùng phong phú, đa dạng như tài liệu văn bia, gia phả, sắc phong, thần tích,... ở các địa phương.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước cho đại diện tác giả cụm công trình "Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII: Tập I: Thế kỷ XI - XV; Tập II: Thế kỷ XVI – XVIII”.
Cụm công trình có ảnh hưởng lớn tới xã hội ở các khía cạnh: đặt cơ sở cho việc hoạch định chính sách về nông nghiệp và nông thôn; chính sách xã hội đối với nông dân; cơ sở khoa học của công trình góp phần tích cực trong quá trình xác định và điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã và đang triển khai tại các địa phương trong cả nước.
Khẳng định và luận giải sâu sắc về chủ nghĩa yêu nước
Cụm công trình "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" của cố Giáo sư Trần Xuân Trường và 16 đồng tác giả, là 1 trong 17 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Tư tưởng xuyên suốt của công trình khoa học là khẳng định "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là dòng sữa tinh thần nuôi sống dân tộc Việt Nam từ thời đại lập quốc xa xưa cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau. Dân tộc Việt Nam còn thì còn chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa yêu nước như là động lực tinh thần chủ yếu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước".
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước cho đại diện tác giả cụm công trình "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Cụm công trình đã đưa ra khái niệm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, luận giải sự hình thành, phát triển từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng của nó. Sự luận giải về chủ nghĩa yêu nước được đánh giá là sâu sắc, có sức thuyết phục, dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chiều sâu lịch sử dân tộc Việt Nam. Cái mới nổi bật của cụm công trình là đưa ra quan niệm khoa học và luận giải về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đây là giá trị đạo đức cao nhất, phổ biến nhất của con người Việt Nam, là động lực tinh thần lớn nhất, trường tồn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Cụm công trình có giá trị và ý nghĩa trong giáo dục chính trị - đạo đức cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được Tổng cục Chính trị đưa vào Tủ sách Hồ Chí Minh, trở thành tài liệu giáo dục thường xuyên đối với cán bộ, chiến sĩ từ hàng chục năm nay.
Cụm công trình đã bổ sung, luận giải sâu sắc lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay. Kết quả nghiên cứu về định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội thực sự là đột phá tư duy, là cơ sở quan trọng để Đảng hoạch định những vấn đề trong Cương lĩnh, đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài, ảnh: Linh Chi |