Bản in
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021 – 2030. Trong các mục tiêu đặt ra, mục tiêu làm sao để trong 10 năm tới, KH,CN&ĐMST trở thành một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng và nhấn mạnh.

Thành công của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020

Ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, KH&CN đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn; đầu tư của doanh nghiệp và khu vực tư nhân cho KH&CN tăng mạnh; các viện nghiên cứu tiên tiến và chương trình KH&CN tầm chiến lược được hình thành; ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội,…
 
Theo ông Hoàng Minh – Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN, về cơ bản, các mục tiêu tổng quát đặt ra trong Chiến lược đã cơ bản thực hiện được. Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã có sự phát triển đồng bộ. KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn. Khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. KH&CN ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ tiến bộ rõ rệt. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lên khoảng 45,2% giai đoạn 2016 – 2020, vượt mục tiêu đề ra là 35%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 4,3%, giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm. KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, tham gia trong tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng… Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42 (năm 2020). 
 
Có thể khẳng định, chúng ta đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, đó là tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao/tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; giá trị giao dịch của thị trường KH&CN; số lượng công bố quốc tế; số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển tính trên vạn dân; số lượng doanh nghiệp KH&CN; số cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; số lượng kỹ sư được đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế.
 
Xác định các định hướng đột phá trong giai đoạn mới
 
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hơn dự báo. Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các quốc gia, khu vực, qua đó cũng tác động không nhỏ đến đầu tư phát triển KH,CN&ĐMST của các nước. KH&CN thế giới phát triển nhanh, Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại. 
 
Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước đầu gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.750 USD năm 2020 (theo Ngân hàng Thế giới). Vai trò, vị trí của KH,CN&ĐMST ngày càng được chú trọng và được làm đậm nét trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập một cách hệ thống, đồng bộ, xuyên suốt; được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại.
 
Đầu tư cho KH&CN từ các doanh nghiệp đã tăng rõ rệt trong những năm gần đây. 
 
Tại Phiên họp của Ban Soạn thảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 – 2030 (Chiến lược) mới đây, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Soạn thảo Chiến lược cho rằng, việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. “Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược sau này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.  
 
Đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập Chiến lược cho biết, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã tổ chức nhiều vòng làm việc, nhiều buổi toạ đàm với từng nhóm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, nhà ngoại giao của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để xác định, phân tích những xu thế về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp, môi trường đang và sẽ diễn ra trên thế giới; xác định, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội, thách thức có tác động mạnh đến phát triển KH,CN&ĐMST của Việt Nam 10 năm tới. “Trong các mục tiêu đặt ra, mục tiêu làm sao để trong 10 năm tới, KH,CN&ĐMST trở thành một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được chú trọng và nhấn mạnh”, Thứ trưởng cho biết.
 
Chiến lược giai đoạn mới được xây dựng trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển KH,CN&ĐMST của Đảng và Nhà nước; bám sát và cụ thể hóa các nội hàm về KH,CN&ĐMST trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 và bổ sung những nội dung mới phù hợp tình hình cũng như yêu cầu phát triển đất nước; xác định rõ các định hướng đột phá để dẫn dắt toàn ngành KH&CN phát triển vượt bậc, hiện thực hóa vai trò đột phá chiến lược của KH,CN&ĐMST trong phát triển đất nước. Đồng thời, Chiến lược đảm bảo tính khoa học trên cơ sở các phương pháp phù hợp, nguồn cơ sở dữ liệu khách quan, tin cậy, cập nhật và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đảm bảo sự đồng thuận thông qua sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,… vào xây dựng Chiến lược; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất giữa các quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST và chú trọng khâu tổ chức thực hiện.
 
Một số vấn đề chính trong Chiến lược được thể hiện đậm nét như việc khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST như một đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST là cầu nối đưa KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Thúc đẩy năng lực hấp thụ, làm chủ và lan toả công nghệ của doanh nghiệp bên cạnh việc theo đuổi đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ. Cùng với đó, tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH,CN&ĐMST; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới.
 
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hoá các nguồn đầu tư cho KH,CN&ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp; phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chiến lược cũng xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KH,CN&ĐMST trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, các địa phương. 
Bài, ảnh: Linh Chi