|
|||
Để sớm đưa chính sách vào thực tiễn sản xuất và đời sống, ngay sau khi Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ra đời, Sở KH&CN cũng đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-SKHCN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, Sở KH&CN giao nhiệm vụ triển khai từng nội dung của nghị quyết cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, đơn vị triển khai chính sách đến các địa phương, tổ chức, cá nhân và hướng dẫn việc xây dựng hồ sơ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lập cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khả năng và điều kiện để thụ hưởng chính sách. Trên cơ sở này, các ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND gắn với hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, công nghệ sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi gắn với các sản phẩm ưu thế, chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để phổ biến tuyên truyền về chính sách đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện chính sách, xử lý những vướng mắc, phát sinh; tổ chức cho hội đồng thẩm định đi kiểm tra thực tế khi cần thiết...
Ông Lê Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có khoảng 200 ha nuôi tôm công nghiệp tập trung ở các xã Hoằng Yến, Hoằng Châu; trong đó, có trên 20 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng cụm công nghiệp. Đây là mô hình được đầu tư bài bản với quy trình nuôi khép kín từ con giống đến thu hoạch, ít tác động đến môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, tỷ lệ rủi ro thấp, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, quy định diện tích ao nuôi để được thụ hưởng chính sách phải từ 1 ha trở lên; trong khi thực tế ao nuôi tại các địa phương thường có diện tích nhỏ hơn. Do vậy ít hồ sơ đáp ứng được điều kiện để thụ hưởng. Đến nay, trên địa bàn chỉ có 1 hồ sơ đề nghị đủ điều kiện được hỗ trợ với mức 2,528 tỷ đồng.
Với mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn; thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh có hàm lượng KH&CN cao, Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, với việc nuôi tôm thẻ chân trắng: diện tích nuôi sẽ từ 0,5 ha trở lên trong nhà bạt, nhà màng hoặc nhà kính; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc danh mục công nghệ cao ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GlobalGAP; đã sản xuất được ít nhất 1 vụ; mức hỗ trợ là 30% tổng mức chi phí đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... Nếu chiếu theo quy định của Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ có nhiều hộ sản xuất đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách. Hiện địa phương đang làm quy trình rà soát và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn về nghị quyết này.
Hiện toàn tỉnh có 95 mỏ cát được quy hoạch, với tổng trữ lượng là 21 triệu m3. Trong đó, có 47 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác cát cho các doanh nghiệp khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các đơn vị được cấp phép khai thác chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác... Thực hiện Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND, trong 3 năm từ 2018-2020, tỉnh ta đã hỗ trợ cho 6 đơn vị đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất cát nhân tạo. Việc hỗ trợ sản xuất cát nhân tạo là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu cát xây dựng và làm giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên, làm giảm hiện tượng khai thác cát trái phép gây sạt lở lòng sông, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương có mỏ cát tự nhiên; tiến tới việc sử dụng phổ biến cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế có rất ít đơn vị đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất cát nhân tạo (8 đơn vị), do vậy đề đáp ứng nhu cầu về cát xây dựng trong thời gian tới cần tập trung khuyến khích các doanh nghiệp làm vật liệu xây dựng đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác đáp ứng nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này cũng sẽ phần nào được giải quyết khi Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND được triển khai thực hiện, gắn với chính sách hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền).
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, Sở KH&CN, cho biết: Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND là chính sách mới, được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ các điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan. Vì đã có kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND trước đó, vì vậy không thể “vẽ” ra những cái “trên trời” để đưa vào Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND để đến khi triển khai lại không thực hiện được. Các chính sách cụ thể được đề ra trong nghị quyết này là tương đối khả thi, điều kiện rõ ràng; công nghệ được ứng dụng thuộc Quyết định 38 của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, nghị quyết này sẽ được triển khai thực hiện trong 5 năm nên sẽ có thời gian để đánh giá hiệu quả và tính phù hợp của các mô hình cũng như chính sách. Chẳng hạn sản phẩm ứng dụng công nghệ phải được chứng nhận theo chuỗi giá trị, chứng nhận VietGAP và các điều kiện tiêu chuẩn, nên cần có thời gian từ vài tháng đến 1 năm để đánh giá.
Xã hội càng phát triển, vai trò “đòn bẩy” của KH&CN càng được thể hiện rõ. Do vậy, Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ra đời và đi vào thực tiễn có ý nghĩa hết sức to lớn. Song, để chính sách phát huy hiệu quả, góp phần đưa KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách đến các tổ chức, cá nhân. Trong đó, chú trọng đến những đối tượng có khả năng và nhu cầu đổi mới công nghệ - thiết bị theo hướng ứng dụng công nghệ cao và theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, lập và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, Sở KH&CN, Sở Tài chính và các địa phương cần nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND để tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Từ đó, mở ra “hành lang” thông thoáng cả về nhận thức và hành động để sớm đưa nghị quyết vào thực thi và mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
|