Bản in
Năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 5,88%
Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu Báo cáo năng suất Việt Nam 2020 do Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) với Trường Đại học Ngoại thương phối hợp nghiên cứu và được tổ chức công bố tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/10/2021.

Hội thảo với sự tham gia trực tuyến của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lê Hoa - VNPI - cho biết: “Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân giai đoạn 2016–2020 của Việt Nam là 5,88%/năm đạt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hàng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%” và cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011–2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ của Việt Nam bình quân tăng 5,06%/năm”.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá so với quốc gia có mức năng suất dẫn đầu châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990, khoảng cách hiện tại là 11,3 lần.

Yếu tố về vốn trên lao động được xem là nguyên nhân tác động quan trọng đến tăng NSLĐ của Việt Nam. “Năng suất vốn giảm liên tục, trung bình giảm (-) 1,5% (giai đoạn 2011 - 2020). Trong khi đó bình quân của các nước ASEAN giảm khoảng (-) 3,5%”, TS. Nguyễn Thị Lê Hoa - chia sẻ.

Đặc biệt, tốc độ tăng TFP bình quân theo doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng gia tăng từ 1,7% năm 2012 lên đến 4,7% vào năm 2018. Điều này đã đóng góp vào mức tăng tương ứng của TFP lần lượt từ 12,5% năm 2012 lên tới 20,1% năm 2018, phản ánh chất lượng tăng trưởng, tiến bộ khoa học & công nghệ.
 
Báo cáo cũng chỉ rõ khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% giai đoạn 2011- 2015 lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Kết quả này có được là một phần do chỉ số thăng hạng về đổi mới sáng tạo đã tác động và làm tăng năng suất lao động.
 
TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng - cho biết: Tháng 01/2021, Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên bền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 điều này cho thấy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 và những năm tiếp theo.
 
Theo TS. Trần Đoàn Thắng- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây là báo cáo có giá trị tốt phục vụ cho công tác hoạch định chính sách. Báo cáo đã thể hiện và mang tầm quốc gia nó không chỉ phục vụ cho các cơ quan quản lý mà qua đó giúp cho các ngành, doanh nghiệp soi chiếu lại hoạt động của mình để có những thay đổi phù hợp nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai.
 
Tuy nhiên, khi phân tích hệ số tương quan cho thấy rằng mức độ tương quan giữa chỉ số đối mới sáng tạo GII và NSLĐ Việt Nam là không chặt chẽ. Các yếu tố đầu ra của đổi mới sáng tạo chưa là động lực để thúc đẩy năng suất
 
TS. Trần Đoàn Thắng cũng đề nghị cơ quan nghiên cứu cần có những nghiên cứu sâu hơn trong Báo cáo năm tới đặc biệt cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể về tác động, ảnh hưởng từ các công cụ chính sách của nhà nước đến năng suất lao động tại các ngành, lĩnh vực.
 
“Báo cáo năng suất 2020 cũng chưa nói rõ được nguồn vốn con người thay đổi như thế nào qua các năm. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì phần này rất quan trọng. Cải thiện kỹ năng con người, vốn con người là rất quan trọng. máy móc có thể nhập được, công nghệ có thể chuyển giao được, tiền có thể huy động được nhưng phải có con người để triển khai thực hiện vận hành nó”, TS. Trần Đoàn Thắng - khẳng định.
 
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia tạo Hội thảo, Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 đã phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động (NSLĐ) và năng suất vốn. Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020 trong bối cảnh những biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Do đó, tăng năng suất đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020.
 
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy những điểm nghẽn trong tăng năng suất của Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ các điểm nghẽn này. Để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp.
 
Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi kiến tạo và chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản lý, công nghệ mới tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng suất, để tăng năng suất trở thành động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Nhìn nhận vấn đề trên, TS. PGS Bùi Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường Đại học ngoại thương - cho biết: Báo cáo 2020 đã nêu bật được vai trò khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng thúc đẩy năng suất của Việt Nam năm 2020 và những năm tiếp theo. Báo cáo cũng đề cập tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng cho tăng năng suất.Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình hợp tác vưới các đối tác trong và ngoài nước, chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình và chương trình đào tạo tiên tiến gắn với vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp cũng như chú trọng đẩy mạnh chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản trị hiện đại cho các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp…
 
Tại Hội thảo, hai cơ quan phối hợp thực hiện nghiên cứu là Viện Năng suất Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương cùng các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau bình luận để làm rõ hơn những kết quả nghiên cứu về năng suấ tcủa Việt Nam, đồng thời trao đổi những giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy năng suất và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.