|
|||
Để xây dựng được chính sách đáp ứng tối ưu, điều quan trọng là phải có một cái nhìn thực tế về thực trạng trình độ năng lực công nghệ của các ngành và sức mạnh của các thể chế liên quan đến hỗ trợ cho đổi mới và sáng tạo công nghệ. Cần có các chính sách phù hợp và hiệu quả để từng bước thúc đẩy phát triển năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân. Bằng chứng được trình bày trong báo cáo „Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế“ cũng cho thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hỗ trợ nên chuyển dần từ hỗ trợ hướng tới tăng cường các năng lực tổ chức và quản trị sang hỗ trợ R&D và sáng tạo công nghệ mới. Cần có sự phối hợp các chính sách phù hợp với mức độ, khả năng đổi mới sáng tạo cũng như sự sẵn có của các chính sách và thể chế hỗ trợ của quốc gia để tạo được hiệu quả kinh tế lớn. TS. Phạm Thu Hiền, Data61-CSIRO-Úc cho biết, để hiểu được hiện trạng cũng như khả năng đổi mới công nghệ và sáng tạo công nghệ của Việt Nam, báo cáo trên đi sâu đánh giá tác động, mức độ, khả năng cũng như nhu cầu về đổi mới và sáng tạo công nghệ theo các ngành/lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy: Đổi mới công nghệ là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế Từ năm 2015, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu cho thấy Việt Nam vẫn còn chậm trong việc tiếp nhận công nghệ khi so sánh với các nước có cùng mức thu nhập. Đổi mới công nghệ không phải là một quá trình dễ dàng. Công nghệ, trong hầu hết các trường hợp, không thể mua bán giống như các sản phẩm vật chất ở dạng thể hiện đầy đủ. Chuyển giao công nghệ thường yêu cầu đào tạo và phát triển kỹ năng, tài chính và thay đổi cơ cấu hoặc tổ chức. Quá trình đổi mới công nghệ nhìn chung diễn ra chậm, gia tăng và phụ thuộc vào trình độ của doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề đổi mới công nghệ, TS. Phạm Thu Hiền, Data61-CSIRO-Úc cho biết, tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ đơn giản và cơ bản để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình, mặc dù có những ví dụ về các công nghệ phức tạp hơn đang được sử dụng. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, quá trình đổi mới công nghệ bao gồm việc mua sắm thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, học hỏi các quy trình công nghệ mới và thực hiện thiết kế quy trình sản xuất/sản phẩm. Tuy nhiên, cũng xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có khả năng giải mã công nghệ, tự thiết kế quy trình và chủ động mua công nghệ và thiết bị để sản xuất. Các doanh nghiệp từng bước có được khả năng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như triển khai công nghệ mới. Đây là các doanh nghiệp đạt được hiệu quả sản xuất cao thông qua việc mở rộng đường biên công nghệ hay giảm thiểu được các rào cản về đổi mới công nghệ thông qua tăng cường đầu tư vào mua sắm trang thiết bị, đào tạo hay mua, thuê các tài sản vô hình. Một quan sát khác từ kết quả của mô hình là có sự khác nhau đáng kể về khả năng cũng như hiệu quả của hoạt động đổi mới công nghệ giữa các ngành kinh tế. Các nỗ lực đổi mới công nghệ là chìa khóa cho tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động của phần lớn các ngành trong nền kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao. Trong khi đó, tăng độ thâm dụng vốn lại là yếu tố quan trọng cho các ngành truyền thống như nông nghiệp, các ngành chế biến chế tạo công nghệ thấp và trung bình thấp. Ở một số ngành khác như lâm nghiệp, vai trò chủ đạo trong nâng cao tốc độ tăng của sản lượng đầu ra trên lao động lại đến từ các nỗ lực tăng cường hiệu suất kỹ thuật của ngành. Mở rộng đường biên công nghệ - là kết quả của sự phát triển các công nghệ mới - hiện chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển gần đây nhất ở Việt Nam. Điều này cũng được dự đoán đối với giai đoạn phát triển của quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, có một số ít các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam đã phát triển được năng lực và kỹ năng công nghệ tiên tiến. Những năng lực và kỹ năng này đến từ việc cải tiến và thích ứng các công nghệ nhập khẩu cho phù hợp bối cảnh Việt Nam( ví dụ như doanh nghiệp THACO và Vinamilk). Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp đã tự cải tiến công nghệ thông qua việc thiết kế và tạo ra những công nghệ phức tạp hơn có thể bán ra quốc tế như Viettel, Vicostone. Những công nghệ mới với trình độ thế giới được phát triển trong nước có tiềm năng tạo ra các ngành xuất khẩu mới nổi cho Việt Nam. Các doanh nghiệp phát triển các công nghệ này thường là các doanh nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn, hoạt động ở đường biên công nghệ của khu vực và thế giới. Các chính sách về Công nghiệp 4.0 nhận dạng và hỗ trợ tạo ra các công nghệ hàng đầu thế giới có thể giúp ngành công nghiệp Việt Nam đi tắt đón đầu các giai đoạn công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh đầu tư tốn kém vào công nghệ ngày càng dư thừa và kích thích sự phát triển của công nghệ mới và các ngành thâm dụng tri thức hơn hoặc các lĩnh vực mới nổi. Các tác nhân quan trọng nhất trong việc phát triển công nghệ hàng đầu thế giới tại Việt Nam là phải nội địa hóa, mặc dù các chuyên gia tư vấn nước ngoài, kiến thức và thông tin nước ngoài là rất quan trọng. Kết quả từ Mô hình đường biên có điều kiện cho thấy phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam đã không thể thay đổi cơ cấu tổ chức, văn hóa và chiến lược để bắt kịp với tốc độ đầu tư và đổi mới công nghệ. Do đó, thực hiện các thay đổi đối với tổ chức để sử dụng hiệu quả hơn công nghệ được áp dụng sẽ là chìa khóa để cải thiện năng suất ở cấp doanh nghiệp. Đầu tư cho R&D và đổi mới công nghệ tạo ra tác động tích cực lâu dài đến tăng trưởng kinh tế Sự gia tăng đầu tư cho R&D không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP mà còn có tác động gián tiếp bằng cách kích thích sự thay đổi cơ cấu thông qua cải thiện kỹ năng và nguồn nhân lực. Phần lớn đầu tư cho R&D ở Việt Nam là vào đào tạo và giáo dục, đồng thời tăng cường cải tiến các quy trình hoặc công nghệ thông qua việc thích ứng và sao chép. Tuy nhiên, theo thời gian, vai trò của R&D ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đây cũng là những thay đổi phù hợp với mức độ phát triển của Việt Nam khi các tổ chức và doanh nghiệp đang tiến tới tiếp thu và thích ứng với các công nghệ phức tạp, thay đổi nhanh trong các ngành công nghệ cao. "Cần phải hài hòa và phối hợp các chính sách về đổi mới công nghệ và thúc đẩy R&D, vì giữa chúng có mối quan hệ phụ thuộc. Xây dựng chiến lược và triển khai Công nghiệp 4.0 là một trong những cách để kết nối đổi mới công nghệ với chi tiêu cho R&D và tạo cú hích cho phát triển kinh tế", TS. Phạm Thu Hiền, Data61-CSIRO - Úc cho hay. Nhìn chung, có thể phân chia các hoạt động phát triển công nghệ của doanh nghiệp ở Việt Nam thành bốn cấp độ cơ bản sau:
Hình: Các nỗ lực đổi mới công nghệ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp Cấp độ 1 - Mua sắm và vận hành dây chuyền thiết bị, công nghệ đồng bộ Ở cấp độ này, với năng lực công nghệ còn hạn chế, các doanh nghiệp tiếp thu công nghệ chủ yếu thông qua nhập khẩu trọn gói dây chuyền thiết bị, công nghệ bao gồm cả máy móc, quy cách sản phẩm, bí quyết know-how và chuyên gia kỹ thuật. Các dây chuyền thiết bị, công nghệ có được trong mức độ này thường đã được tiêu chuẩn hóa và đơn giản, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động. Các doanh nghiệp chủ yếu hướng đến vận hành công nghệ một cách có hiệu quả dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài. Cấp độ 2 - Hấp thụ, đồng hóa công nghệ nhập Năng lực doanh nghiệp ở cấp độ này chủ yếu là bắt chước, sao chép các sản phẩm tiêu chuẩn hóa của nước ngoài. Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng chuyển giao công nghệ không chính thức như giải mã công nghệ hoặc dịch chuyển lao động thông qua liên kết thuận ngược giữa các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia. Quá trình đổi mới công nghệ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải từng bước phát triển năng lực nội tại của mình để hấp thụ các công nghệ nhập khẩu và thực hiện nội địa hóa công nghệ. Đổi mới, trong mức độ này, chủ yếu liên quan đến các nỗ lực đột phá bao gồm cải tiến các quy trình cơ bản và nâng cấp nhỏ đối với máy móc thông qua một số ít các hoạt động R&D chính thức. Cấp độ 3 - Thích nghi, làm chủ công nghệ Cấp độ này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động R&D và bắt đầu phát triển các năng lực phức tạp hơn, đặc biệt là về chất lượng. Thích nghi và làm chủ công nghệ một cách sáng tạo để ứng dụng vào các ngành công nghiệp khác là một số hình thức đổi mới công nghệ ở cấp độ này. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vẫn là nguồn lực chính để phát triển công nghệ. Ở cấp độ vĩ mô, R&D trong các doanh nghiệp tư nhân cũng trở nên quan trọng hơn và đóng góp ngày càng nhiều vào các đầu tư R&D của quốc gia. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới trong các doanh nghiệp tư nhân cũng như phát triển hệ thống nghiên cứu phát triển chất lượng cao và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai bên. Cấp độ 4 - Sáng tạo công nghệ và phát triển các công nghệ mới nổi Dần dần các doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực để tiếp cận được công nghệ ở đường biên công nghệ và đổi mới sáng tạo ra các công nghệ mới có thể thách thức các doanh nghiệp ở các nước phát triển. Ở cấp độ này, các doanh nghiệp tham gia sâu vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, thiết kế và kỹ thuật có liên quan để ứng dụng các công nghệ không thể mua được từ nước ngoài và đưa ra các sản phẩm/quy trình mới có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này sẽ trở thành nền tảng năng lực và công nghệ cốt lõi cho nền kinh tế. Và khi một số lượng đáng kể các doanh nghiệp đạt đến mức độ này, các quốc gia có thể chuyển sang mức độ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khi mà sáng tạo công nghệ là nguồn tăng trưởng và R&D nội sinh là động lực của nền kinh tế. Trong một quốc gia, do cơ cấu sản xuất không đồng nhất, các mức độ khác nhau về khả năng tiếp thu công nghệ có thể cùng tồn tại giữa các ngành hoặc thậm chí giữa các doanh nghiệp trong một lĩnh vực. Các doanh nghiệp với trình độ, nguồn lực khác nhau sẽ áp dụng các mô hình khác nhau trong ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Quy mô hoạt động cũng ảnh hưởng, tác động đến quan điểm của doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cụ thể là, các doanh nghiệp lớn có xu hướng sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao trong khi các doanh nghiệp nhỏ sản xuất các sản phẩm đơn giản hơn hoặc sử dụng công nghệ thấp hơn. Vấn đề này cũng giải thích sự khác biệt về hành vi công nghệ giữa hai nhóm doanh nghiệp. Chính vì thế ở mỗi quốc gia luôn tồn tại song song các ngành/doanh nghiệp ở các mức độ phát triển công nghệ khác nhau trong bất kỳ giai đoạn phát triển công nghệ nào. Tóm lại, năng lực hấp thụ công nghệ quyết định mô hình và các hoạt động đổi mới và sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp và giai đoạn phát triển công nghệ của đất nước được xác định bởi trình độ mà phần lớn doanh nghiệp của đất nước này đang hoạt động. Trọng tâm của mỗi quốc gia trong phát triển công nghệ là khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc đổi mới công nghệ có thể có lợi thế lớn hơn cho sự phát triển nhanh chóng của họ. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ và tích lũy công nghệ, các doanh nghiệp nên chuyển dần từ dựa vào ứng dụng, đổi mới công nghệ sang theo đuổi R&D độc lập để đạt được sự phát triển bền vững và ổn định. Từ phân tích trên, có thể thấy rằng để đạt được sự phát triển bền vững và ổn định cần có các chính sách cụ thể như: Tăng cường đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất kỹ thuật giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy R&D và các ngành công nghiệp mới nổi để nâng cao đường biên công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; và phát triển các công cụ chính sách và cơ chế thực hiện để điều phối tổng thể và tăng cường các nỗ lực phát triển công nghệ. Lê Hà |