|
|||
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc thu hút và trọng dụng những người được cử đi học nước ngoài đã được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật như Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Giáo dục đại học và một số Nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan. Thực tế, có nhiều địa phương và cơ sở đã và đang triển khai hiệu quả những chính sách thu hút đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Mặc dù vậy, do mặt bằng chung trong nước, chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với cá nhân và gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế. Môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp nên kết quả chưa được như mong đợi. Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả các nhà khoa học, trí thức Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đến công tác tại các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có việc hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo để chuẩn bị ban hành Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học. “Hy vọng trong thời gian tới, những chính sách mang tính đột phá sẽ dần loại bỏ được những rào cản và đạt được mục tiêu của Đề án 89 đã đề ra. Điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được họ đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước” – Bà Thủy nhấn mạnh. Cũng theo bà Nguyễn Thuy Thủy, Bộ GD&ĐT hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng nguyện vọng đi học của người học, và đồng thời cũng yêu cầu cả cơ sở cử đi và người học đều phải thực hiện cam kết của mình khi cử người đi học. Được biết, hiện nay nhiều địa phương có kế hoạch thu hút và trọng dụng nhân tài như Vĩnh Phúc hỗ trợ 600 triệu đồng đối với Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ hoặc Tiến sĩ y khoa, Bác sĩ chuyên khoa cấp II; Thạc sĩ hoặc Thạc sĩ y khoa, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Bác sĩ nội trú được hỗ trợ 400 triệu đồng. Giáo viên, giảng viên có trình độ Tiến sĩ được hỗ trợ 600 triệu đồng; có trình độ Thạc sĩ được hỗ trợ 400 triệu đồng; có trình độ Đại học được hỗ trợ 300 triệu đồng. Tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ người có học hàm Giáo sư 1,5 tỷ đồng; người có học hàm phó Giáo sư: 1 tỷ đồng; người có học vị tiến sỹ 360 triệu đồng; bác sỹ chuyên khoa 2, Bác sỹ nội trú 180 triệu đồng; bác sỹ chuyên khoa 1, thạc sỹ y khoa 120 triệu đồng. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thực hiện hỗ trợ tài chính đối với các cá nhân có học vị tiến sĩ là 75 triệu đồng/người; Phó Giáo sư 100 triệu đồng/người; Giáo sư là 150 triệu đồng/ người, với điều kiện họ phải làm việc tối thiểu 5 năm ở trường. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tạo thay đổi trong môi trường làm việc cho người có trình độ tiến sĩ, giáo sư được hưởng mức lương thỏa thuận xác định trên mức độ ưu tiên nhiệm vụ khoa học, tính chất quy mô, tầm quan trọng của nhiệm vụ khoa học, trình độ, năng lực hiệu quả, đóng góp cá nhân. Trong thời gian làm việc, sẽ được bố trí một phòng làm việc riêng với diện tích trang thiết bị phù hợp; được bố trí một phòng ở không thu tiền nhà khách của trường. Nguồn: congluan.vn |