|
|||
Những công nghệ sản xuất mới, hiện đại đã và sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp chủ động nguồn cung trong nước, thay thế nhập ngoại, giảm giá thành, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá (CNH-HĐH) và hội nhập nền kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Nhiều năm gần đây, hàng nghìn các kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận, trong đó có nhiều giống lúa lai tốt như VL20, TH3-3, TH304, HY83, HYT92, HYT100. Gần 90% diện tích đất được trồng bằng các giống lúa cải tiến. Năng suất lúa bình quân năm 2007 đạt 49,5 tạ/ha, gấp 2,4 lần năm 1980 và năm 2010 đạt trên 52,3 tạ/ha, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Với thuỷ sản, đóng góp lớn nhất của KH&CN là công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Năm 2009, giá trị xuất khẩu đạt 4,26 tỉ USD, tăng hơn 47 lần so với năm 1985. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thuỷ sản chiếm bình quân từ 57%-58% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU và Mỹ. Trong y-dược, Việt Nam đã lần đầu tiên ghép tim thành công trên người, ghép gan, thận từ người cho chết não; làm chủ được quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc từ tuỷ xương, máu ngoại vi, vùng rìa giác mạc và bước đầu ứng dụng thành công trong điều trị các bệnh xương, khớp, ung thư,... Nghiên cứu, sản xuất thành công 10 loại vaccin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccin Rota phòng bệnh tiêu chảy đạt tiêu chuẩn quốc tế;...
Cầu trục giàn máy 1200T/200T/20T - Sản phẩm do VN thiết kế, Trong công nghiệp, KH&CN giúp cải tiến, đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực. Ngành cơ khí chế tạo đã làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công xây dựng nhà máy thuỷ điện có công suất lớn, đặc biệt là công trình thuỷ điện Sơn La (công trình phát điện sớm 2 năm so với tiến độ ban đầu, làm lợi cho đất nước 2 triệu USD); thiết bị cẩu trục chân đế 180 tấn sử dụng cho các nhà máy đóng tàu, bến cảng, khai khoáng,... Từ kết quả nghiên cứu, chúng ta đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp (MBA) 220kV–250 MVA với giá thành thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 2 triệu USD so với giá nhập khẩu 2,4 triệu USD). Năm 2010, Việt Nam chế tạo thành công MBA 500kV đầu tiên, tạo điều kiện cho ngành điện chủ động mở rộng, phát triển hệ thống lưới điện truyền tải 500kV quốc gia. Ưu tiên đầu tư phát triển KH&CN theo chiều sâu Kinh tế gia đoạt giải Nobel Robert Solow nói rằng “thay đổi công nghệ là yếu tố mạnh giúp tăng trưởng kinh tế”. Thực tế đã chứng minh điều này. Theo phân tích ở 38 quốc gia và khu vực của Ngân hàng thế giới, tiến bộ công nghệ đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển, hơn 30% ở các nước đang phát triển. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư và tăng cường tiềm lực cho KH&CN đạt mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm, tương đương với gần 0,5% GDP. Cùng với đó, hệ thống thể chế pháp lý và cơ chế, chính sách đã hoàn thiện hơn tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ KH&CN đầu năm 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã khẳng định Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển KH&CN để tạo bước phát triển mới trong giai đoạn tới. Các văn kiện được trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư phát triển KH&CN. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định “phát triển KH&CN thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”. Cụ thể, hướng trọng tâm hoạt động KH&CN vào phục vụ CNH, HĐH, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN. Dự thảo cũng chỉ ra cần hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, gắn với đào tạo, sản xuất kinh doanh. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, trước hết là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn; ưu tiên phát triển công nghệ cao; ứng dụng nhanh KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông thôn; sử dụng hợp lý công nghệ dùng nhiều lao động. Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu-ứng dụng mạnh, đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới; gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát huy hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, mũi nhọn và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. KH&CN đã và đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó phần nào khẳng định kết quả của quá trình hiện thực hoá những nhiệm vụ, định hướng phát triển KH&CN trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của ngành KH&CN. Khẳng định việc đầu tư cho KH&CN là hướng đi đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện thắng lợi định hướng phát triển KH&CN đã đưa ra tại các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần XI và các mục tiêu kế hoạch phát triển KH&CN năm 2011, nếu chỉ có sự nỗ lực lớn của các nhà khoa học, nhà quản lý KH&CN thì chưa đủ mà đòi hỏi phải có sự phối hợp, đồng thuận giữa các bộ ngành, các doanh nghiệp để có những bước đột phá lớn cho nền kinh tế đất nước.
Hạnh Nguyên |