Bản in
Để duy trì tổ chức Khoa học – Công nghệ gắn với tự chủ
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng việc giải thể hay giữ lại tổ chức KH&CN công lập, phải dựa trên định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các tổ chức KH&CN công lập tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của ngành, tổ chức của mình, giữ vai trò không thể thay thế trong phát triển.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... để phối hợp lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, ông Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày dự thảo Đề cương báo cáo phương án quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

So với quy hoạch giai đoạn trước, trong quy hoạch lần này có đề cập đến nhiều nội dung mới quan trọng. Cụ thể, cần xác định để tích hợp trong các quy hoạch có liên quan (quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); đề xuất “phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập và các hoạt động KH,CN&ĐMST” và “danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện”.

Các đại biểu tham dự đều thống nhất với tinh thần của dự thảo quy hoạch; đồng thời đã tập trung góp ý, hoàn thiện dự thảo quy hoạch; thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện phương án quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành.
 
Liên quan đến căn cứ để xây dựng phương án quy hoạch, Thứ trưởng cho biết, các bộ, ngành cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương đến các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; văn bản hướng dẫn về tiêu chí sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức KH&CN để nghiên cứu, xác định những nội dung về KH&CN nào để phát triển ngành, để từ đó, có phương án quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực; đảm bảo các tổ chức KH&CN có đủ nguồn lực để hoạt động.

Đặc biệt, về việc duy trì tổ chức KH&CN gắn với tự chủ, Thứ trưởng giải thích: việc giải thể hay giữ lại tổ chức KH&CN công lập, phải dựa trên định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các tổ chức KH&CN công lập tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của ngành, tổ chức của mình, giữ vai trò không thể thay thế trong phát triển. "Mức độ tự chủ không phải là căn cứ để xét tồn tại hay không đối với một tổ chức KH&CN công lập", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước đề xuất của một số đơn vị, Thứ trưởng cho biết sẽ trực tiếp trao đổi và tháo gỡ cũng như chỉ đạo các đơn vị đồng hành để việc quy hoạch đạt hiệu quả. Theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ làm việc với các đơn vị có nhu cầu để nắm bắt tình hình thực tế, nội dung quy hoạch để xây dựng quy hoạch có hiệu quả.

Trước đó, Bộ KH&CN đã xây dựng văn bản gửi các địa phương phối hợp Lập phương án Quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Đề cương báo cáo phương án quy hoạch gồm 4 phần: Các văn bản chỉ đạo, chiến lược, quy hoạch của bộ, ngành; Phân tích hiện trạng của mạng lưới tổ chức KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành; Phân tích, đánh giá bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới định hướng phát triển các tổ chức KH&CN trong phạm vi bộ, ngành quản lý; Đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền bộ, ngành quản lý thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và kèm theo là các biểu tổng hợp số liệu minh chứng cho nội dung quy hoạch.