|
|||
Đề ra 7 nhóm chính sách về sở hữu trí tuệ Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 Điều, sửa đổi 81 Điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo luật.
Dự luật quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình.
Về nội dung quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan soạn thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký; phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành: Quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra 2 phương án về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phương án 1 là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính, mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2 giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ thêm một số nội dung về tính tương thích của dự thảo Luật với các cam kết quốc tế, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Rà soát 5 nhóm nội dung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhất trí với 7 nhóm chính sách của tờ trình dự thảo luật, tuy nhiên, các nhóm chưa thể hiện được chính sách quan trọng liên quan đến chuyển đổi số - là nội dung cốt lõi, xuyên suốt của việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị quan tâm đến việc công nhận quyền nhân thân, quyền tác giả của trí tuệ nhân tạo độc lập hoặc kết hợp với con người.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình với phương án 1. “Điều này sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó; đồng thời, vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghiệp có sử dụng ngân sách”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại vấn đề các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đăng ký sở hữu trí tuệ doanh nghiệp, thương hiệu trong lãnh thổ Việt Nam nhưng sản phẩm lại bị các tổ chức nước ngoài đăng ký trước trên phạm vi quốc gia khác, điển hình như trường hợp gạo ST25 bị đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ.
Cho ý kiến về dự thảo luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát 5 nhóm nội dung. Cụ thể, cần rà soát các điều cấm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; hoàn thiện, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế; cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người sáng tạo; hoàn thiện hơn quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; tiếp tục nghiên cứu lập luận về việc thu hẹp các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng thực hiện cụ thể từng điều khoản, gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng và thời gian theo quy định.
|