|
|||
Đó là thông tin được TS Phan Thị Hà Dương (Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup - VINIF) chia sẻ tại Lễ công bố Học bổng Sau tiến sĩ năm 2021 do Quỹ VinIF tổ chức vào ngày 10/9. Theo bà, dù đây là năm đầu tiên VinIF triển khai chương trình học bổng sau tiến sĩ nhưng Quỹ đã nhận được rất nhiều hồ sơ từ các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong số 187 hồ sơ gửi đến, có 111 hồ sơ là những tiến sĩ đang học và làm việc tại nước ngoài, và có đến 90% ứng viên đã từng công bố trên các tạp chí trong nhóm Q1 của SCImago, “vì vậy để lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất giữa các hồ sơ chất lượng như vậy là một việc vô cùng khó khăn”, bà nhận định. Trải qua các vòng đánh giá và phản biện, hội đồng khoa học gồm 70 nhà nghiên cứu đã chọn ra được 30 hồ sơ xuất sắc nhất.
“30 ứng viên này thuộc những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, từ công nghệ thông tin, hóa vô cơ, sinh lý thực vật, toán ứng dụng, vật lý, cho đến chứng khoán quốc tế, kỹ thuật tàu thủy, hải dương học,... Quỹ mong muốn các nhà khoa học sẽ giúp giải quyết những vấn đề cụ thể, có giá trị thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống”, TS Hà Dương cho biết.
Bên cạnh đó, Quỹ VinIF còn xét đến yếu tố vùng miền để mang lại quyền lợi cho những trường đại học trên khắp cả nước, vì vậy các ứng viên sẽ không chỉ triển khai đề tài post-doc của mình ở những trường đại học lớn như Đại họcQuốc gia Hà Nội, Đại họcQuốc gia TPHCM, mà còn ở những trường như Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Nha Trang…
Trong số những ứng viên được trao học bổng, có những gương mặt quen thuộc như TS Hoàng Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, bảo vệ tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế), người từng được đề cử giải Trẻ Tạ Quang Bửu năm 2020 và 2021; TS Đào Tuấn Anh (Đại học Bách Khoa Hà Nội, bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Bergakademia Freiberg, Đức) - người được Viện Toán cao cấp Quốc gia Ý (INdAM) trao giải thưởng Nghiên cứu sinh trẻ có thành tích xuất sắc.
Đa dạng hóa chặng đường nghiên cứu
Chia sẻ tại sự kiện công bố trực tuyến, GS Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata) cho biết một trong những mục tiêu mà ông mong muốn khi tham gia vào quá trình triển khai học bổng đó là giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám tại Việt Nam hiện nay.
“Ngành KH&CN Việt Nam đang bắt đầu khẳng định được vị thế của mình với những sản phẩm và ứng dụng thực tiễn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trên chặng đường phát triển ấy, chúng ta gặp phải một cản trở lớn đó là hiện tượng chảy máu chất xám, đặc biệt là với các ngành kỹ thuật và công nghệ tiên tiến”, ông nhận định. “Một trong những nguyên nhân chính đó là các nhà nghiên cứu trẻ tài năng khi về nước đã không tìm được công việc có vị trí và thu nhập ổn định, vì vậy họ lại tiếp tục tìm đường ra đi”.
Chính vì vậy, học bổng sau tiến sĩ của VinIF đã trao cho các nhà khoa học xuất sắc học bổng trị giá 30 triệu đồng/tháng với mong muốn các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào việc nghiên cứu tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích và giữ chân họ ở lại Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh việc giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám, học bổng của Quỹ VinIF còn góp phần đa dạng hóa chặng đường nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay đa phần các tiến sĩ ở Việt Nam “học đại học, thạc sĩ, được giữ lại trường và học lên tiếp tiến sĩ chỉ gói gọn ở một nơi, ít luân chuyển ra cơ sở khác, và chỉ làm việc với một số nhà nghiên cứu nhất định, điều này khiến họ khó phát triển khả năng nghiên cứu độc lập và tự phát triển hướng nghiên cứu về lâu dài cho bản thân”.
Với mong muốn góp phần giải quyết tình trạng này, một trong những tiêu chí của hội đồng xét chọn học bổng của Quỹ VinIF đó là “khuyến khích các tiến sĩ di chuyển để đạt đc sự đa dạng về hướng nghiên cứu”, TS Hà Dương chia sẻ. Điều này sẽ giúp các tiến sĩ trẻ được gặp gỡ những nhà khoa học mới với các phương pháp mới, và quan trọng nhất là được cọ xát về ý tưởng - một điều vô cùng quan trọng đối với những nhà nghiên cứu học thuật.
|