|
|||
Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm tổ chức KH&CN công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ; tổ chức KH&CN công lập trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức KH&CN công lập trực thuộc tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; tổ chức KH&CN công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức KH&CN công lập trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức KH&CN công lập thuộc tổ chức KH&CN công lập được quy định từ điểm a đến điểm đ, khoản 1, điều 2 của Thông tư. Tổ chức KH&CN công lập do cơ sở giáo dục đại học, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư này hoặc các quy định pháp luật khác liên quan. Thông tư quy định 2 tiêu chí phân loại tổ chức KH&CN công lập: Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ và phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, có 3 loại tổ chức KH&CN công lập gồm: Tổ chức KH&CN công lập phục vụ quản lý nhà nước; Tổ chức KH&CN công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu; Tổ chức KH&CN công lập phục vụ công ích của nhà nước. Việc phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Cụ thể: Tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; tổ chức KH&CN công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tổ chức bị sáp nhập là tổ chức không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức KH&CN công lập. Tổ chức KH&CN công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu sáp nhập. Các tổ chức KH&CN công lập được xem xét hợp nhất khi đáp ứng đồng thời các điều kiện: không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập tổ chức KH&CN công lập; có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lặp, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức khác; có mức độ tự chủ gần tương đồng. Tổ chức sẽ bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp: Theo quy định khoản 1, Điều 16 Nghị định 08/2014/NĐ-CP; theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; không đáp ứng được 1 trong các điều kiện thành lập tổ chức KH&CN công lập; 3 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, hoặc bị đánh giá hoạt động không hiệu quả trong 3 năm liên tiếp. Tin, ảnh: Linh Chi
|