|
|||
Các văn bản như Chỉ thị số 368/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/6/1995 về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/8/2000 về Chính sách quốc gia PCTH của thuốc lá giai đoạn 2000-2010; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/01/2013 phê duyệt “Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2020”, đặc biệt là Luật PCTH của thuốc lá được ban hành ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 với 5 chương, 35 điều đã tạo thành một hệ thống pháp luật khá đầy đủ về PCTH của thuốc lá. Hệ thống pháp luật này ngày càng được hoàn thiện, đồng thời thể hiện độ tương thích khá cao so với Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (Công ước FCTC) mà Việt Nam đã tham gia. Điều đó thể hiện những bước tiến đáng ghi nhận trong công tác lập pháp của Việt Nam, thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc PCTH của thuốc lá trong cộng đồng. Điển hình có thể kể đến các quy định cơ bản sau. Về chính sách thuế và giá đối với thuốc lá. Nếu như ở Nghị quyết số 12 của Chính phủ về Chính sách quốc gia PCTH của thuốc lá giai đoạn 2000-2010 quy định "chính sách thuế đối với các sản phẩm thuốc lá luôn luôn cần ở mức thu cao" thì ở Luật PCTH của thuốc lá năm 2012, chính sách thuế được xác định phải "phù hợp nhằm để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá" (khoản 2 Điều 4). Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 không quy định phải in hàm lượng tar và nicotine trên nhãn bao thuốc lá là hoàn toàn phù hợp với khuyến cáo của Công ước FCTC, tránh được việc người sử dụng hiểu là nên chọn những loại có hàm lượng tar và nicotine thấp, sẽ giảm tác hại sức khỏe cho người sử dụng hơn khi sử dụng loại có hàm lượng tar và nicotine cao. Những quy định trong Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 như phải in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh với diện chiếm ít nhất 50% mỗi mặt chính trước và sau trên bao, tút, hộp thuốc lá, đồng thời trao cho Chính phủ quyền quy định cụ thể mức tăng diện tích cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ (Điều 15); quy định số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong mỗi bao không được ít hơn 20 điếu (trừ thuốc lá xì gà và thuốc được sản xuất để xuất khẩu); quy định về hợp tác quốc tế trong PCTH của thuốc lá (Điều 8); quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng, cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; quy định việc cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi (Điều 9); quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 11); ... cho thấy, Việt Nam đã thực sự vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng trong quá trình hiện thực hóa các khuyến cáo và cam kết quốc tế trong Công ước FCTC, chứ không phải là sự tham gia một cách hình thức. Về việc thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá. Quỹ quốc gia về PCTH của thuốc lá chính thức được ghi nhận trong Luật PCTH của thuốc lá năm 2012. Các quy định về địa vị pháp lý của Quỹ là một điều kiện đảm bảo quan trọng về mặt tài chính của công tác PCTH của thuốc lá. Pháp luật PCTH của thuốc lá cũng đã đề cập và đề cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTH của thuốc lá; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá. Trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định cụ thể, trên cơ sở lĩnh vực hoạt động liên quan, chức năng nhiệm vụ hoặc phạm vi ảnh hưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Như vậy, có thể thấy, về cơ bản, pháp luật, đặc biệt là Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 phù hợp với yêu cầu PCTH của thuốc lá ở Việt Nam, tương thích với Công ước FCTC và xu hướng chung của quốc tế. GS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Kể từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực đến nay, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1% vào năm 2015 so với năm 2010. Trung bình hơn 90% cán bộ, công viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật. Đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà…
|