-Thời gian qua ngành khoa học và công nghệ (KH – CN) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện còn những trở ngại nào đối với sự phát triển chung của ngành, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Nguyễn Quân: Trong giai đoạn vừa qua, ngành KH - CN đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số yếu tố làm giảm hiệu quả hoạt động KH - CN cũng như hạn chế đóng góp của KH - CN vào sự phát triển của đất nước.
Thứ nhất, chúng ta chưa huy động được đủ nguồn đầu tư cho công nghệ. Chủ yếu hiện nay kinh phí dành cho hoạt động KH - CN là từ ngân sách nhà nước. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH - CN cao, mức chi tương đối là 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5% GDP) được duy trì liên tục trong 10 năm qua. Trong khi các nước khác tỉ lệ này chỉ là 0,3-0,4% GDP.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển KH - CN đến năm 2010 đặt ra mục tiêu nguồn đầu tư cho KH - CN khoảng 1,5% GDP, trong đó từ ngân sách nhà nước là 0,5% và từ xã hội là 1%. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu trên.
Do vậy, KH - CN nước ta rất thiếu nguồn lực dành cho nghiên cứu cũng như ứng dụng KH - CN vào sản xuất đời sống, làm hạn chế hiệu quả của hoạt động KH - CN cũng như hạn chế sản phẩm KH - CN đối với xã hội.
Thứ hai, chúng ta còn thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, nhân lực KH - CN trình độ cao, thiếu công bố quốc tế, rất ít nhà khoa học Việt Nam được giải thưởng quốc tế.
Thứ ba, nhiều cấp quản lý chưa quán triệt được vai trò quốc sách hàng đầu cũng như nền tảng động lực của KH - CN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên chưa dành cho KH - CN sự quan tâm đầy đủ, chưa cụ thể hóa được chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để khoa học và công nghệ có thể đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện đúng vai trò.
|
Làm việc trong phòng thí nghiệm |
Nhiều địa phương vẫn không đầu tư đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH - CN. Đồng thời, ta chưa có chính sách tổng thể, chính sách đặc thù để trọng dụng, sử dụng và thu hút cán bộ khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế đến làm việc tại Việt Nam.
- Chỉ ra được những hạn chế gây cản trở sự phát triển của ngành KH - CN, vậy, Bộ KH - CN sẽ khắc phục những hạn chế nêu trên bằng cách nào?
- Để khắc phục tồn tại trên đòi hỏi rất cao sự đồng thuận của xã hội và sự nỗ lực của tất cả các bộ, ngành. Tuy nhiên, trong thời gian qua Bộ KH - CN đã đề xuất một số giải pháp: Ví dụ để tăng nguồn đầu tư cho KH - CN cần phải luật hóa trách nhiệm của xã hội và doanh nghiệp. Năm 2008, Bộ KH - CN đã đề xuất cùng Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đã đưa vào điều khoản các doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp.
Để giúp cho các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến đầu tư cho KH - CN cũng như nâng cao nhận thức về KH - CN, khi xây dựng Nghị định số 28/2008/NĐ-CP, Bộ KH - CN đã kiến nghị đưa vào một điều khoản và được Chính phủ ban hành, đó là Bộ KH - CN có trách nhiệm và có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các bộ, ngành, địa phương và hàng năm báo cáo Chính phủ về tình hình sử dụng ngân sách. Bộ KH - CN đã xây dựng đề án về trọng dụng và sử dụng cán bộ KH - CN trong đó có đề xuất những cơ chế đặc thù dành cho các nhà khoa học và các tổ chức KH - CN, họ cần được tự chủ về tài chính ở mức độ cao khi được nhà nước giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng nghiên cứu.
Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH - CN công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH - CN đã trao quyền tự chủ cao nhất cho các nhà khoa học và các tổ chức KH - CN.
Tuy nhiên để các ý tưởng, dự án, đề xuất của Bộ KH - CN đi vào thực tiễn đời sống đòi hỏi sự phối hợp nỗ lực của tất cả các bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành những văn bản đồng bộ, hướng dẫn tổ chức thực hiện, phải có sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của KH - CN cũng như áp dụng những cơ chế chính sách đặc thù cho KH - CN.
|
Nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm |
Sắp tới, Bộ KH - CN sẽ hoàn thành xây dụng đề án về đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN, hi vọng đây sẽ là điểm đột phá để các nhà khoa học được giao quyền tự chủ cao hơn, được đầu tư nhiều hơn và được làm chủ những tài sản trí tuệ do mình tạo ra.
- Thưa thứ trưởng Nguyễn Quân! Chiến lược phát triển KH - CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được gấp rút hoàn thành. Nội dung chính mà chiến lược đề cập đến là gì?
- Chiến lược phát triển KH - CN tới năm 2020 sẽ bám sát vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cụ thể, chúng ta sẽ triển khai đồng bộ các Chương trình quốc gia trong lĩnh vực KH - CN bao gồm các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, cũng như một số chương trình đang xây dựng và sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển thị trường công nghệ, Đề án đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của các tổ chức KH - CN.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, chúng ta phải phát triển thị trường công nghệ với nhịp độ cao hơn nhịp độ tăng trưởng GDP. Sao cho công nghệ có thể được chuyển giao vào sản xuất kinh doanh bằng con đường thuận lợi nhất, các nhà khoa học có thể đóng góp cho sản xuất thông qua những sản phẩm nghiên cứu tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có doanh thu xuất khẩu lớn, có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có giá trị đối với quốc tế.
Tiếp tục phát triển tiềm lực KH - CN bao gồm cả đội ngũ cán bộ có trình độ cao, các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, có các hệ thống tổ chức KH - CN, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các doanh nghiệp KH - CN, đầu tư mạnh cho các tổ chức, dịch vụ KH - CN ở các địa phương.
Đưa tiến bộ KH - CN mới nhất của thế giới cập nhật vào chiến lược phát triển KH - CN của Việt Nam để Việt Nam hội nhập được với nền KH - CN quốc tế, có được nhiều sản phẩm KH - CN ở tầm quốc gia, tầm khu vực, tầm quốc tế.
- Để thực hiện chiến lược trên, ngành KH - CN cần phải tập trung nhiều nhất vào điểm nào, thưa Thứ trưởng?
- Về nền tảng pháp lý chúng ta đã cơ bản xây dựng xong, chúng tôi cho rằng nếu phải chỉ ra 1 điểm quan trọng nhất thì đó là phát triển nguồn nhân lực KH - CN trong giai đoạn tới. Chúng ta phải có chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ, khuyến khích cán bộ KH - CN, đảm bảo đời sống của họ, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho họ, tạo điều kiện lao động KH - CN tốt nhất cho họ, kể cả nhà khoa học trong nước cũng như nhà khoa học người Việt ở nước ngoài để cho họ có thể cống hiến tài năng và trí tuệ của họ cho phát triển khoa học của Việt Nam.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Phương Nga (thực hiện)
|