|
|||
Xin Ông cho biết kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ của Vụ ĐTG năm vừa qua? - Ông Đỗ Hoài Nam: Trong năm 2010 Vụ ĐTG đã chủ động trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN và đã được Chính phủ ban hành (Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010). Xây dựng một số dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; xây dựng 2 dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đánh giá công nghệ và tổ chức định giá công nghệ. Với chức năng được giao là thẩm định công nghệ các dự án đầu tư và thẩm định Hợp đồng chuyển giao công nghệ, năm 2010 Vụ đã thẩm định được 64 Dự án đầu tư (38 Dự án đầu tư trong nước và 26 Dự án đầu tư nước ngoài). Trong đó, nhiều dự án có quy mô đầu tư rất lớn như: Báo cáo đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh; báo cáo đầu tư Nhà máy thủy điện Lai Châu; dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa(100% vốn nước ngoài); Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Thái Bình 2. Ngoài ra,Vụ đã cử cán bộ tham gia vào các tổ công tác Hội đồng thẩm định, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước hoặc các Hội đồng thẩm định của các Bộ, ngành được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với hoạt động kiểm tra, thanh tra, năm 2010 Vụ đã kết hợp với các Sở KH&CN để tìm hiểu tình hình, kiểm tra công tác thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư và hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp ở một số địa phương (Công ty TNHH Samsung Electrics Việt Nam, một số doanh nghiệp tại Khu công nghiêp Việt Nam - Singapore,…). Vậy, hiện nay việc thẩm định và giám định công nghệ còn gặp khó khăn gì, thưa Ông? - Khó khăn chung đối với hoạt động thẩm định và giám định công nghệ hiện nay là các vấn đề về cơ sở lý luận, phương pháp luận chưa được chuẩn bị trước. Theo chúng tôi, vấn đề này cần được Viện nghiên cứu chiến lược chính sách, Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ nghiên cứu đi trước tìm hiểu về cách tiếp cận, nội dung và các phương pháp thực hiện. Thứ hai là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu công nghệ giúp cho cán bộ thẩm định trong quá trình xử lý vì ngoài kỹ năng, kiến thức ra thì cần có thông tin, dữ liệu giúp hỗ trợ khi xử lý. Thêm nữa là khó khăn trong công tác đào tạo cán bộ, vì công tác thẩm định và giám định công nghệ hiện nay ở nước ta chưa có một trường lớp nào đào tạo. Hơn nữa, công tác thẩm định dự án đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp. Khi chúng tôi tuyển cán bộ về làm việc, thường cần khoảng 2 đến 3 năm để làm quen và tiếp cận với công việc, lúc đó mới có khả năng xử lý được công việc. Theo Ông làm thế nào để nâng cao được vai trò của việc thẩm định và giám định công nghệ? - Để nâng cao được vai trò thẩm định và giám định công nghệ, đầu tiên doanh nghiệp cần nhận thức và thấy được vai trò của công nghệ trong phát triển doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp phải thấy được vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng để giúp cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng và có sức cạnh tranh trên thị trường. Thứ hai, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước phải hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý giúp cho doanh nghiệp có thể đi đúng được hướng. Tôi cho rằng đó là những yếu tố rất quan trọng. Năm 2011 định hướng của Vụ ĐTG sẽ tập trung vào điểm trọng tâm nào, thưa Ông? - Năm 2011 là năm đầu tiên của kế hoạch 2011-2015, chúng tôi dành trọng tâm vào một số vấn đề: Thứ nhất, tham gia vào việc đề xuất, trực tiếp, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai là, tăng cường đào tạo cán bộ, tự đào tạo hoặc đào tạo bằng các hình thức khác nhau để làm sao nâng cao năng lực của cán bộ trong đơn vị. Thứ ba là, phối hợp với các địa phương và Ban công tác địa phương trong việc tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ của các sở KH&CN. Xin cảm ơn Ông! Phương Nga |