|
|||
Tăng tỉ lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ Theo công bố năm 2017 của Ngân hàng thế giới sau khi tiến hành khảo sát gần 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam (trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sức cạnh tranh và liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ”) cho thấy, với những chính sách quản lý phù hợp, các hoạt động đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ đã có những chuyển biến mạnh mẽ với tỷ lệ các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ tăng lên cả về lượng (tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới vào khoảng 23%) và chất (số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có chi cho hoạt động R&D, hoặc là nghiên cứu nội bộ, hoặc thuê hợp đồng nghiên cứu ngoài tăng lên với tổng mức đầu tư vào khoảng 1,6% doanh thu so với 0,5% giai đoạn trước). Thực tế trong thời gian qua, cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ đã được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để KH&CN thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất đã khẳng định, “đây là một giải pháp mang tính đột phá”. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, với mục đích phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, nhân lực quản lý nhằm thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Chương trình có nhiều nội dung, tập trung xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, bao gồm các hoạt động chính như hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia. Việc đổi mới công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả và năng suất lao động, đồng thời tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ thị trường. KH&CN đồng hành cùng doanh nghiệp Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, việc triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia hiện nay được thực hiện theo các văn bản chung bao gồm: Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Quyết định 677/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Thông tư số 09/2013/TT-BKHCN ngày 15/3/2013 của Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Thông tư liên tịch số 79/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý tài chính Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Diện tích cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng mạnh Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã xác định “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” thực hiện các hoạt động đổi mới. Do đó, các dự án của Chương trình đã tập trung vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến và tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia triển khai. Chương trình đã nhận được hơn 300 đề xuất. Trên cơ sở xác định các lĩnh vực và định hướng ưu tiên, các Bộ, ngành, địa phương đã lựa chọn được 58 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, 64% số đơn vị trực tiếp chủ trì nhiệm vụ là các doanh nghiệp, huy động được 1.320 tỷ đồng vốn đối ứng (chiếm 70% tổng kinh phí). "Các nhiệm vụ được triển khai tại hơn 20 tỉnh thành, thuộc hơn 50 lĩnh vực công nghệ khác nhau, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương. Phần lớn các nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp chủ trì kết hợp cùng các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia công nghệ để đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới với sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Tạ Việt Dũng cho hay. Có thể nói rằng, sự gắn kết trên đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Bảo Chi
|