|
|||
Ở các nước trên thế giới, quy định không hút thuốc lá nơi công cộng được thực hiện rất nghiêm túc. Tại Singapore, nếu hút thuốc lá ở nơi công cộng sẽ bị phạt từ 200 đến 1.000 đô la Sing, ở Đức là 1.000 euro, có bang lên tới 5.000 euro. Còn ở Việt Nam, dù đã có các mức xử phạt khác nhau, nhưng gần như mọi người đều thả ga hút thuốc mà không bị ai xử phạt. Hơn 5 năm kể từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực, việc tuyên truyền, cảnh báo về tác hại khói thuốc được thực hiện khá nghiêm túc tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thủ đô, với những hình thức như có biển báo cấm hút thuốc, đưa quy định cấm hút thuốc vào nội quy cơ quan… Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại một số địa điểm công cộng như bến xe Giáp Bát, Bệnh viện Bạch Mai v.v.. tình trạng người dân hút thuốc vẫn xảy ra mà không bị xử lý. Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, việc xử phạt trực tiếp những người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng tuy đã được thực hiện nhưng gặp phải không ít khó khăn, như việc người hút thuốc có thể bỏ đi hoặc phi tang bằng chứng trước khi cơ quan chức năng đến xử phạt. Đối với người hút thuốc, một khi họ nhận thức được tác hại của việc phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động, và việc hút thuốc lá nơi công cộng không được xã hội chấp nhận, thì hành vi của họ sẽ thực sự thay đổi. Tuy nhiên, vẫn rất cần có một bộ Luật về phòng chống tác hại của thuốc lá và tăng cường cơ chế thực thi để đảm bảo rằng mọi người không hút thuốc lá ở những nơi công cộng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như bệnh ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch v.vv.. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, những người hút thuốc lá nên từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc trong nhà hoặc tại những nơi công cộng. Theo điều tra toàn cầu về thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, hiện nước ta đang có khoảng 45,3% số người hút thuốc lá; nghĩa là bình quân cứ 2 người sẽ có 1 người hút thuốc. Ngoài ra, có khoảng 53,3% số người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% thì bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc. Ước tính mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá. Trước thực trạng trên, Chính phủ và Quốc hội nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề này; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng chung tay triển khai có hiệu quả các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Quan trọng nhất là sự ra đời của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Cụ thể, Luật gồm có 5 Chương, 35 Điều, quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá; điều kiện đảm bảo để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Những năm qua, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã được triển khai rộng khắp. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm với nhiều nội dung triển khai cụ thể, thiết thực như: Đưa qui định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị; tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc… Sau hơn 5 năm triển khai thi hành, Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã đi vào đời sống. Cụ thể: 95,7% người dân đã nhận thức được tác hại của thuốc lá, trung bình 87% người dân biết về tác hại của việc hút thuốc lá thụ động; tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm xuống; tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (từ 13- 15 tuổi) giảm; nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá được nâng cao… Đáng chú ý, một số mô hình phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai trên cả nước như: Mô hình trường học không khói thuốc; thành phố du lịch không khói thuốc… đã góp phần đem lại những hiệu ứng tích cực trong công tác PCTHTL nói chung. Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường giám sát, đánh giá hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá; việc thực hiện, duy trì xây dựng mô hình “không khói thuốc lá” tại các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành nghiêm Luật phòng chống tác hại thuốc lá của mọi người dân... Đối với việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là những sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng như: Youtube; các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các Bộ, ngành chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ; tăng cường phối hợp, tổ chức tốt công tác giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá cùng các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; trong đó, ưu tiên cho các hoạt động truyền thông nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ nhằm hạn chế tỷ lệ người hút thuốc lá, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Tin: Đăng Minh |