Bản in
Vay vốn từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ: Những điều kiện cần
Quỹ Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) TPHCM trong ba năm chỉ cho vay được hơn 50% vốn. Hiện quỹ đang tiến hành cải tiến thủ tục quy trình quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng chấp nhận yếu tố mạo hiểm với số vốn dự kiến tăng gấp 10 lần.

Kén đối tượng

Lãi suất cho vay tối đa chỉ bằng 50% lãi suất ngân hàng, trong bốn năm, không phải thế chấp tài sản, có thể được tài trợ không hoàn lại là những điều kiện của Quỹ Phát triển KHCN TPHCM cho doanh nghiệp vay vốn.

Thoạt nghe qua thì những điều kiện trên thật hấp dẫn. Thế nhưng, qua ba năm thành lập, số doanh nghiệp thỏa những điều kiện của quỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay, với số vốn đã giải ngân hơn 50%. Tiền vẫn còn trong khi doanh nghiệp đang hết sức khát vốn. Vì sao có chuyện như vậy?

Để được vay vốn của quỹ, doanh nghiệp phải có dự án nhằm thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học đã được cấp bằng sáng chế hoặc đoạt giải thưởng tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, các dự án sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hiện đại với chi phí thấp, thay thế sản phẩm nhập khẩu của chương trình chế tạo thiết bị từ những nghiên cứu trong nước đã qua giai đoạn sản xuất mẫu. Ngoài ra, quỹ còn cho doanh nghiệp vay để chuyển giao công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao hơn.

Đối tượng cho vay hẹp, điều kiện cho vay khá kén chọn, lại phải trải qua các vòng thẩm định chuyên môn kỹ thuật và tài chính, vì thế nhiều doanh nghiệp không vay được vốn. Do quỹ cho doanh nghiệp vay không thế chấp, nên để an toàn, trong hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp được yêu cầu phải có những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án và khả năng hoàn trả nợ, vì đầu tư vào KHCN là một ngành đầu tư mạo hiểm, có yếu tố rủi ro cao.

Chưa hết, hồ sơ vay vốn còn được các chuyên gia tài chính “săm soi” về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn. Các chuyên gia này đa phần không nắm bắt hết mức độ phức tạp của công nghệ, họ chỉ quan tâm đến các chỉ số tài chính. Điều này giải thích vì sao chỉ với số vốn 50 tỉ đồng, nhưng dù đã giới thiệu đến hơn 3.200 lượt doanh nghiệp, hướng dẫn và tư vấn thủ tục vay vốn cho trên 70 doanh nghiệp, đến nay mới chỉ có 20 doanh nghiệp trình dự án vay vốn, và chỉ có sáu doanh nghiệp được vay với tổng số tiền hơn 26 tỉ đồng. Có người ví von rằng nguồn vốn của quỹ như một món ăn cầu kì, nhưng khó nuốt, kén người ăn vì chưa phù hợp với khẩu vị của doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để có thể thưởng thức được món ăn này? Doanh nghiệp phải thích nghi với khẩu vị mới, hay cơ quan quản lý quỹ phải điều chỉnh gia vị cho phù hợp với khách hàng?

Cải tiến thủ tục

Các chuyên gia trong ngành cho rằng muốn vay tiền của Quỹ Phát triển KHCN, doanh nghiệp cần xem mình có phải đối tượng cho vay của quỹ hay không, sau đó mới tiến hành thủ tục vay vốn. Khi làm thủ tục, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ pháp lý theo yêu cầu, trong đó có các hợp đồng cung ứng sản phẩm (theo mẫu của quỹ). Doanh nghiệp phải lập thuyết minh dự án (theo mẫu của quỹ) và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu, trong đó có các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải thuyết minh về nội dung sản phẩm, quy trình công nghệ, phương án tài chính… theo mẫu của dự án sẽ thực hiện.

Vòng thẩm định sơ bộ sẽ do hai chuyên gia về công nghệ và tài chính nhận xét, đánh giá nhằm góp ý, giúp chủ đầu tư hoàn chỉnh các nội dung của thuyết minh dự án trước khi đưa ra hội đồng thẩm định.

Vòng thẩm định thứ hai khó hơn khi có mặt các chuyên gia tài chính, đánh giá về tính hiệu quả của dự án. Các chuyên gia của hội đồng thẩm định sẽ góp ý về dự án, còn doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh theo đúng những góp ý này và gửi lại hồ sơ cho quỹ. Vấn đề là ở chỗ, dù rất khả thi về mặt công nghệ, nhưng các chuyên gia tài chính thường không chấp nhận yếu tố đầu tư mạo hiểm, nên “nếu được chấp nhận cho vay, số tiền cũng sẽ không nhiều, không đù để đầu tư trang thiết bị”, đại diện một doanh nghiệp lọt được vào vòng hai phản ảnh.

Sau khi qua các bước thẩm định, nếu được hội đồng thẩm định đánh giá đạt yêu cầu, dự án sẽ được đưa ra hội đồng, quản lý quỹ gồm sáu thành viên xem xét và quyết định đối với những dự án vay từ 2 tỉ đồng trở lên.

Theo các chuyên gia của quỹ, dự án bị ách tắc thường do doanh nghiệp xử lý hồ sơ còn chậm, thiếu các giấy tờ, thủ tục cần thiết, hoặc chậm điều chỉnh theo góp ý của các chuyên gia. Thời gian để vay được tiền của các dự án thường kéo dài năm hoặc sáu tháng cũng vì những lý do này. Trong khi đó thời gian xử lý hồ sơ, từ lúc nhận đến lúc trình ra hội đồng chỉ khoảng 10 ngày.

Sở KHCN cũng đã nhận thấy những bất cập trên. Chính vì thế, theo ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc sở, trong năm nay sở sẽ tiếp nhận quỹ từ Công ty Đầu tư tài chính TPHCM và thành lập một ban quản lý riêng. Sở sẽ cải tiến thủ tục, quy trình quản lý hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo hướng chấp nhận yếu tố mạo hiểm trong đầu tư công nghệ, nhằm khuyến khích công nghệ ra đời.

Đề án đổi mới Quỹ Phát triển KHCN đã được xây dựng và dự kiến trình lên UBND TPHCM phê duyệt trong quí 1 này, với số vốn dự kiến tăng 10 lần, tức 500 tỉ đồng.

Phạm vi và đối tượng áp dụng của quỹ cũng sẽ được mở rộng, làm cơ sở cho việc xây dựng quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, có độ rủi ro cao.

Quỹ cũng không còn bó hẹp trong bốn ngành công nghiệp, dịch vụ ưu tiên của thành phố, mà mở rộng ra các ngành nghề khác, cũng như cho doanh nghiệp vay đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ cũ, lạc hậu sang công nghệ tiên tiến./.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)