|
|||
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định tại Hội thảo chuyên đề 6 với chủ đề “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức vào sáng 02/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam; ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội thảo còn thu hút gần 300 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước và ngoài nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Các định hướng chính sách cho thấy, hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nghiệp tư nhân, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vây, việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam với nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã trở thành hướng đi đúng đắn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Để bắt nhịp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup)” Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết trong thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner... Nhiều vườn ươm tiêu biểu đã được hình thành như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư cho các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tăng mạnh, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở thế hệ sau. Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống qua việc liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us, … Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng khẳng định, Hội thảo chính là dịp tập trung thảo luận về khởi nghiệp sáng tạo và phương thức ứng xử với mô hình kinh tế mới này. Những khái niệm tuy mới nhưng lại rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội bền vững. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là những doanh nghiệp mà nguồn lực chủ yếu bằng phát triển công nghệ, tri thức và sáng tạo, hướng tới phát triển nhanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, có những sản phẩm, có các dịch vụ mô hình kinh tế mới nhằm đa dạng hóa, số hóa các sản phẩm, dịch vụ thương mại, tài chính, sản xuất, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số mà các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực để có được thành tựu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN trao đổi tại phiên Hội thảo chuyên đề Ông Trần Văn Tùng cho biết thêm: Bộ KH&CN được giao chủ trì xây dựng và phát triển môi trường bền vững, thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 884) đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm, đi đúng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường pháp lý, kỹ thuật để đạt mục tiêu quốc gia khởi nghiệp. Điều này bao gồm việc xây dựng và liên kết các thành phần hỗ trợ, đầu tư, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách thu hút mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu. Năm 2018, đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đã tới Việt Nam tham dự sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018. Đây là dấu ấn khẳng định hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang đi cùng khởi nghiệp trên thế giới. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng bày tỏ hy vọng trong năm nay, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu tiếp tục tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019. Mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại số Liên quan đến việc xây dựng môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam được cho là vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư e ngại, ông Nguyễn Hồng Sơn đã nêu ra 4 vấn đề để lãnh đạo các cơ quan chức năng, các chuyên gia trao đổi, phát hiện và kiến nghị tháo gỡ các rào cản giúp kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế; tìm ra giải pháp tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường đến hành lang pháp lý… để các nhà khởi nghiệp sáng tạo bắt kịp xu thế chung của khu vực và thế giới; khuyến khích mọi nguồn lực và các thành phần trong xã hội phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo để đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp thành công bao gồm: Vấn đề thứ nhất là về tìm hiểu trên thế giới xem hiện có phương thức mô hình kinh doanh mới nào? mô hình nào cần thiết và phù hợp với Việt Nam, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mô hình nào phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. Vấn đề thứ hai là xu hướng “ứng xử” của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số; quan điểm, cơ chế và chính sách phù hợp về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả đối tượng khác nhau; các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình. Vấn đề thứ ba là những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia; tối ưu hóa môi trường pháp lý; tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp cận tài chính; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ. Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc xây dựng thị trường vốn chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Trao đổi tại Hội thảo về định nghĩa thế nào về mô hình kinh doanh mới, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, những mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ. Bản thân bảo hộ sở hữu trí tuệ đã là thước đo về khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác cho thấy họ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, mức độ phạm vi bảo hộ phải mang tính toàn cầu.
Toàn cảnh Phiên hiến kế về khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam Ông Quất cũng khẳng định từ 3 năm qua, khi Thủ tướng Chính Phủ phát động Chương trình quốc gia về khởi nghiệp và được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành như Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục Đào tạo..., hệ sinh thái khởi nghiệp sáng Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào hay tạo công ăn việc làm nữa mà hướng đến làm giàu, tạo ra những thị trường có những ứng dụng mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao. Hội thảo dành phần lớn thời lượng cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, kinh nghiệm, cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp trong phát triển các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tổng hợp, đưa ra báo cáo tại Phiên toàn thể chiều mùng 2/5 với sự đồng chủ trì của Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam. Bài, ảnh: Đăng Minh
|