Bản in
Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ: Điểm đến của các nhà sáng chế không chuyên
Với tinh thần chủ động tìm kiếm và xác định chiến lược rõ ràng ngay từ ban đầu, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã trở thành một “điểm đến” tin cậy của những nhà sáng chế không chuyên, hỗ trợ họ từ việc tìm kiếm ý tưởng cải tiến từ các sáng chế cho tới việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.

 Tại triển lãm Techfest 2016, một người khách dừng lại trước gian hàng trưng bày sản phẩm robot gieo hạt của ông Phạm Văn Hát, một nhà sáng chế không chuyên ở Hải Dương được nhiều người biết đến do chế tạo được rất nhiều máy móc ứng dụng trong nông nghiệp và được các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Úc, Israel... tìm đến mua sản phẩm. “Khi ông khách hỏi thăm, tôi đã không dấu giếm nỗi bức xúc về việc ròng rã 4 năm đi đăng ký bảo hộ sáng chế mà vẫn công cốc”, ông Hát kể lại về cuộc trao đổi tình cờ với người khách đó. Bất ngờ là sau khi lắng nghe, “người khách đưa danh thiếp và tự giới thiệu, tôi mới biết đấy là ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN”. Nhờ vậy, ông Phạm Văn Hát đã được kết nối với Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) và được hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế ngay sau đó.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện Sáng chế & Công nghệ) đã hỗ trợ, từ nhà sáng chế không chuyên cho tới những nhà khoa học trong các viện trường hoặc các doanh nghiệp... “Bất cứ ai có nhu cầu về tìm kiếm, hoàn thiện các ý tưởng và sản phẩm sáng tạo là cán bộ của Viện sẽ tìm cách hỗ trợ họ ngay khi có thể”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Viện trưởng Viện Sáng chế & Công nghệ cho biết.
Tìm đến tận nơi có nhu cầu
“Hiện nay, đối tượng có nhu cầu về đổi mới sáng tạo rất nhiều, từ các trường đại học, doanh nghiệp cho đến các viện nghiên cứu. Nhưng họ sẽ phải tìm ý tưởng, giải pháp đổi mới ở đâu và địa chỉ ứng dụng như thế nào?”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu đề cập đến nhu cầu về giải pháp đổi mới công nghệ của doanh nghiệp dựa trên nghiên cứu, phân tích sáng chế hiện nay. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thường trực của Viện, một tổ chức do Bộ KH&CN thành lập năm 2011 với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu đổi mới sáng tạo thông qua việc khai thác bí quyết công nghệ bằng hoạt động phân tích cơ sở dữ liệu sáng chế.


Ông Phạm Văn Hát giải thích về cấu tạo của robot gieo hạt. Nguồn: Niptex

Trên thực tế, việc khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế không phải là chuyện đơn giản. Viện Sáng chế & Công nghệ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ bước khởi đầu, một trong số đó là việc tìm kiếm người có nhu cầu cần được hỗ trợ vì chưa có nhiều nơi biết đến Viện và sẵn sàng trao đổi ý tưởng với Viện. Để giải quyết vấn đề này, Viện Sáng chế & Công nghệ đã xác định hoạt động theo phương pháp mà TS. Nguyễn Trọng Hiếu vẫn gọi một cách hài hước là “chiến dịch vết dầu loang”. Ông giải thích, “những việc mà Viện đã và đang hỗ trợ, số lượng bước đầu có thể ít nhưng phải thực chất và hiệu quả, từ đó dần dần tạo dựng uy tín và mọi người sẽ biết để tìm đến Viện nhiều hơn”.
Để nắm bắt được nhu cầu thực tế, Viện Sáng chế & Công nghệ đã tổ chức nhiều đoàn công tác thực tế tới các địa phương trên cả nước, tiến hành khảo sát và gặp gỡ nhiều đối tượng, từ các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trong các viện, trường tới doanh nghiệp với mục tiêu “nắm được họ đang làm gì, nhu cầu của họ là gì”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu cho biết. Không chỉ có vậy, Viện cũng chủ động tìm kiếm thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau như thông qua Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội nông dân,... – những nơi mà Viện cho rằng gần gũi với các nhà sáng chế địa phương nhất.
Với số lượng cán bộ hạn chế nhưng lại có quá nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu, Viện đã chủ động xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mời họ cùng tham gia vào các chuyến khảo sát thực địa. Ngoài ra, để phổ biến các sáng chế hữu ích tới cộng đồng, Viện chủ động cập nhật và tập hợp các sáng chế đã cung cấp theo như cầu tương ứng cho các nhà sáng chế không chuyên, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thành hệ thống cơ sở dữ liệu sáng chế có tính ứng dụng cao. Đây đều là những sáng chế có giá trị thực tiễn cao và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. TS. Hiếu cho biết: “Nhiều người có nhu cầu tương tự sau này chỉ cần lên đây tải về, vừa nhanh chóng và dễ hiểu, lại đỡ phải mày mò tìm kiếm từ các nguồn dữ liệu nước ngoài”.
Hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nghiệp
Đối với Viện Sáng chế & Công nghệ, việc có trong tay bộ dữ liệu sáng chế, những chất liệu quan trọng ban đầu của một chu trình sáng tạo, mới chỉ là một trong rất nhiều công đoạn. Về bản chất, Viện mong muốn hỗ trợ tối đa cho bất cứ đối tượng nào có nhu cầu, kể cả nhu cầu tư vấn về việc làm thế nào đăng ký được sáng chế đến nhu cầu tìm kiếm, phân tích các sáng chế để lựa chọn thứ mình cần. Để làm tốt công việc này, ngay từ ban đầu TS. Nguyễn Trọng Hiếu và cán bộ Viện đã xây dựng một quy trình hỗ trợ bài bản theo từng giai đoạn, đầu tiên là thống kê dữ liệu và phân tích sáng chế. Cán bộ của Viện sẽ tìm kiếm thông tin sáng chế từ nhiều nguồn khác nhau, từ các thư viện số về bằng sáng chế của Việt Nam (Digipat) thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cơ sở dữ liệu sáng chế của các tổ chức như WIPO (World Intellectual Property), USPTO (The United States Patent and Trademark Office), EPO (Europe Patent Office), JPO (Japan Patent Office)... Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin sáng chế, việc đánh giá thông tin nằm trong bằng sáng chế cũng đòi hỏi sự tương tác rất chặt chẽ, trao đổi thông tin nhiều lần giữa cán bộ, chuyên gia của Viện với người có nhu cầu cần hỗ trợ.

Đoàn chuyên gia ở Viện Niptex cùng ông Phạm Văn Hát vào thăm vùng nguyên liệu đậu nành của công ty Vinasoy. Nguồn: Niptex

Trong quá trình tương tác với những nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học và doanh nghiệp, Viện Sáng chế & Công nghệ rút ra một điều, nếu các nhà khoa học và doanh nghiệp vừa và nhỏ “đa phần nhờ Viện hỗ trợ về thiết kế mô phỏng sản phẩm” trước khi chế tạo, thì các nhà sáng chế không chuyên “có ý tưởng nhưng thiếu nhân lực hỗ trợ thiết kế cũng như trang thiết bị máy móc phục vụ việc chế thử sản phẩm”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu nhận xét. Thế khó của các nhà sáng chế không chuyên là “không dám nhờ doanh nghiệp vì sợ mất ý tưởng, do đó họ chỉ biết nhờ đến Viện vì tin tưởng vào Viện”. Do đó, cách giải quyết của Viện Sáng chế & Công nghệ là “đồng hành với họ từ giai đoạn đầu tiên lên ý tưởng cải tiến thiết kế sản phẩm đến giai đoạn hỗ trợ chế thử sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế”, TS. Hiếu cho biết thêm.
Dù cố gắng hỗ trợ hết mức có thể với tất cả các đối tượng tìm đến với mình nhưng Viện Sáng chế & Công nghệ có riêng phần “ưu ái” với các nhà sáng chế không chuyên, không chỉ tư vấn cải tiến mà còn tham gia chế thử sản phẩm vì họ thường làm việc một cách đơn độc mà ít có được sự hỗ trợ đáng kể nào. Như trường hợp robot gieo hạt của ông Phạm Văn Hát ở Hải Dương, Viện đã cử chuyên gia đến tận nơi, để tìm hiểu đã phải “tháo tung cả máy móc, xem từng chi tiết”, TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện Sáng chế & Công nghệ cho biết. Cái khó ở đây là “ông Hát chế theo kinh nghiệm nên không chia các bộ phận máy theo mô đun riêng, không có bản thiết kế nên khó sản xuất theo quy mô lớn”. Bởi vậy, Viện đang nghiên cứu và xây dựng bản thiết kế, chia theo từng mô đun - dễ sản xuất và thay thế bộ phận nếu cần. Ngoài ra, Viện còn hỗ trợ thiết kế và mô phỏng sản phẩm trên máy tính, giúp các nhà sáng tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai chế tạo sản phẩm trên thực tế. Những nỗ lực của Viện đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các nhà sáng chế. Bác Hát bày tỏ: “Nếu không có Viện giúp đỡ, không biết bao giờ tôi mới đăng ký bảo hộ được sáng chế này”.
Không riêng ông Phạm Văn Hát, nhiều phẩm của các nhà sáng chế không chuyên khác “qua tay” Viện đã được cải tiến, hoàn thiện hơn. Điển hình như sáng chế lò sấy lúa vỉ ngang của nhà sáng chế Năm Nhã ở Long Xuyên, An Giang (sáng chế đoạt giải nhất cuộc thi nhà sáng chế năm 2014). Thông qua sự hỗ trợ của Viện, nhà sáng chế Năm Nhã đã có ý tưởng cụ thể hơn về đổi mới thiết kế của lò sấy lúa vỉ ngang và đổi mới quy trình công nghệ chế tạo lò sấy lúa. Sản phẩm này đã được phổ biến rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long và được xuất khẩu sang Campuchia nhờ ưu điểm chi phí thấp và đem lại hiệu quả cao.
Một trường hợp khác được Viện hỗ trợ là thiết bị làm giá sạch của anh Nguyễn Văn Quang ở Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một sáng chế phức tạp đến nỗi “các tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp không muốn nhận đăng ký sáng chế này”, anh Hiếu cho biết. Nhưng khi biết được anh Quang cần hỗ trợ, các chuyên gia ở Viện đã trực tiếp đến giúp anh Quang sửa chữa và hoàn thiện đơn đăng ký bảo hộ sáng chế này.
Không dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ như trên, Viện còn dấn thêm một bước, tìm cách kết nối các nhà sáng chế với những doanh nghiệp có nhu cầu. Ông Phạm Văn Hát cho biết, sau khi được hỗ trợ cải tiến sản phẩm, ông đã được Viện giới thiệu, kết nối với Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) - đang có ý định ứng dụng sản phẩm robot gieo hạt để tăng năng suất trồng cây đậu tương. Trong thời gian vừa qua,Viện Sáng chế & Công nghệ đã tổ chức chuyến khảo sát vào vùng nguyên liệu trồng cây đậu tương ở Quảng Ngãi của công ty Vinasoy cho nhà sáng chế không chuyên Phạm Văn Hát để thu thập thông tin phục vụ việc thiết kế, chế tạo sản phẩm robot gieo hạt phù hợp với yêu cầu thực tế.
“Quan điểm của chúng tôi là tất cả những gì hỗ trợ phải thực chất đem lại hiệu quả kinh tế, giúp các nhà sáng chế không chuyên, doanh nghiệp thương mại hóa được sản phẩm và đạt được lợi nhuận”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu bày tỏ. Chính vì vậy, Viện Sáng chế & Công nghệ cũng cam kết đồng hành cùng với các đối tác tới bước cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm từ sáng chế, thông qua các hoạt động như kết nối nhà sáng chế với các doanh nghiệp hay nhà đầu tư.
Việc khai thác thông tin sáng chế là một thách thức không nhỏ bởi "cơ sở dữ liệu sáng chế lên tới hàng trăm triệu bản, đồng thời bí quyết công nghệ trong bản mô tả sáng chế thường bị ‘ẩn’ đi nên cần phải có quá trình phân tích, giải mã", TS. Nguyễn Trọng Hiếu cho biết. Bởi vậy, nếu muốn khai thác thông tin sáng chế một cách hiệu quả, giúp các nhà sáng chế không chuyên, doanh nghiệp, viện trường tìm được đúng thông tin mà họ đang cần trong một thời gian ngắn thì phải có nhân lực am hiểu về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời có kinh nghiệm trong khai thác sáng chế. TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện Sáng chế & Công nghệ kể lại trường hợp một nhà sáng chế không chuyên liên hệ với Viện vì cần sự hỗ trợ để cải tiến bộ phận điều khiển cánh cửa van cống. Mặc dù trước đó, nhà sáng chế không chuyên này đã đầu tư công sức nghiên cứu và mày mò rất lâu để tìm giải pháp thiết kế phù hợp nhưng vẫn chưa thành công. TS. Nam cho biết: “Thông tin tham khảo về giải pháp thiết kế này có thể tìm thấy ngay trong bản mô tả sáng chế và không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu”.