|
|||
Selena Le (Lê Thị Bích Hoàn). Ảnh: KH&PT Vì sao chị lại muốn làm một chương trình… khó nhằn như giảm rác nhựa ở nước ta? Vì đơn giản là Việt Nam đang có… quá nhiều rác thải nhựa, đến mức khủng hoảng. Và mình không thể chấp nhận được thực trạng này. Các viễn cảnh xấu về biến đổi khí hậu đã rất gần với chúng ta rồi. Do đó, tôi đã buông hết các hoạt động kinh doanh để dồn sức cho No Waste Vietnam. Tôi quyết định cuộc đời còn lại của mình gắn với môi trường, rác và biến đổi khí hậu, góp phần giúp mọi người hiểu hơn về môi trường, học cách thích ứng biến đổi khí hậu và tạo cảm hứng cho các tổ chức cùng tham gia với mình.
Nước mình thì quá nhỏ, nhưng đứng thứ 5 thế giới về thải rác nhựa ra biển. Phải hành động thôi. Tôi được truyền cảm hứng từ Barney Swan- người đi trải nghiệm 90 ngày ở Nam Cực chứng kiến băng tan thành sông, hay Greta Thunberg - cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đấu tranh vì biến đổi khí hậu, và Leonardo di Caprio cùng bộ phim tài liệu thực hiện trong 3 năm với National Geographic.
Được truyền cảm hứng và bắt đầu thành lập ngay một dự án về bảo vệ môi trường?
Lúc đầu, tôi chưa nghĩ sẽ thành lập công ty cho dự án này đâu. Sau đó tôi gặp Jeffrey Fielkow, CEO của một tập đoàn, bàn về chuyện môi trường. Anh ấy muốn làm một dự án thực sự lớn. Vậy là doanh nghiệp xã hội No Waste Vietnam ra đời, tôi và Jeffrey là 2 đồng sáng lập (Co-Founder). Công ty sẽ có doanh thu nhưng lợi nhuận là thứ tôi không tập trung đến, vì chi phí hiện tại rất nhiều. Mục đích của mình không phải là lợi nhuận mà là tạo tác động xã hội, cân đo đong đếm được bằng số.
Vậy là các dự án nhỏ trong chương trình hành động được lần lượt ra đời, như: giáo dục về ý thức đến hành động từ học sinh- sinh viên các trường đến nhân sự các tổ chức (cộng đồng) trong bảo vệ môi trường, trồng 500 triệu cây, bảo vệ san hô và tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, thu gom rác,..
Chị có gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người đồng hành cùng mình?
Nhiều khó khăn lắm chứ. Thứ nhất, nền tảng của tôi không phải là “dân” môi trường. Thứ hai, rất nhiều bạn tình nguyện nhưng khi nhảy vào thì các bạn rất sợ, vì nó có quá nhiều vấn đề. Thậm chí có bạn sau khi tìm thông tin về ô nhiễm môi trường thì bị ám ảnh và… bỏ luôn. Tôi cũng đã từng bị sốc khi đọc các tài liệu về thực trạng môi trường hiện nay.
Trở lại với các khó khăn về nhân lực, có nhiều bạn tình nguyện viên, cộng tác viên không cho thấy sự gắn bó với công ty. Ngoài ra, khi làm việc với các tổ chức, công ty lớn, mình cũng cần có các tài liệu, quy trình chuẩn, cần người làm hành chánh, kế hoạch, quản lý dự án. Nhiều bạn cộng tác viên hiện nay chưa đủ khả năng đảm nhiệm các việc này.
Các cộng tác viên có làm việc với công ty của chị toàn thời gian?
Không cần phải vậy. Các bạn chỉ cần làm sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. Mạng lưới cộng tác đang mở rộng và hiện nay chúng tôi cũng đã có những nhân viên thực hiện dự án ở các tỉnh thành. Hiện giờ chúng tôi đã có 60 bạn đồng hành cùng No Waste Vietnam.
Họp nhóm các tình nguyện viên No Waste Vietnam với Đối tác ReThink Plastic Vietnam.
Các tổ chức chị gặp gỡ và kết nối có phản ứng như thế nào?
Vô cùng tích cực. Chắc chúng tôi ra đúng thời điểm, nên các tổ chức vừa tiếp xúc đã bắt tay hành động ngay và liền, thậm chí là chưa kí MOU (biên bản ghi nhớ), họ đã có nhiều thay đổi trong công ty. Dù chi phí hoạt động đội lên gấp mấy lần, nhiều lãnh đạo vẫn chấp nhận thay đổi, vì môi trường, vì sự truyền cảm hứng đến cộng đồng và vì trách nhiệm cá nhân đối với tương lai, với thế hệ tiếp theo. Cho nên họ sẵn sàng làm cùng chúng tôi. Có thể kể đến một vài đối tác lớn đang trong quá trình đồng hành như Vietnam Airlines, Saigon Co.op, Lotte, Runam.
Có vẻ mọi chuyện đang rất triển vọng…
Rất triển vọng. Tôi tin người Việt Nam mình rất cởi mở và hiện đại, dám chịu thay đổi. Khi có ai đó tác động đến họ và thấy rằng có ý nghĩa thì họ sẽ sẵn sàng chung tay làm liền. Tôi tin rằng chương trình này có thể góp phần dẫn đầu thế giới về giảm rác thải nhựa, tác động lớn đến cả ngành hàng không và chuỗi bán lẻ, siêu thị, ngành ăn uống,…
Trong ngắn hạn, năm 2019 chị dự định sẽ gặt hái được những kết quả gì?
Đến hết 2019, No Waste Vietnam sẽ có đại diện ở ít nhất là 80% tỉnh thành cả nước và tác động đến sự thay đổi về nhận thức cũng như có chương trình hành động giảm rác thải nhựa của 80% hệ thống bán lẻ. Chúng tôi cũng đặt chỉ tiêu tác động đến 60-80% khối đại học cả nước, tác động tới hơn 100 tổ chức, công ty. Mục tiêu chung là tất cả các tổ chức chúng tôi có làm việc, tác động,… sẽ giảm thải rác nhựa ít nhất 25% ngay trong năm nay. Phải làm sao khi vào đến công ty là không nhìn thấy một chai nước suối nào, không có bọc nylon, ly trà sữa bằng nhựa nào… Hiện nay, các văn phòng đại sứ quán, lãnh sự quán các nước đã không có một chai nước suối nhựa nào. Họ chỉ sử dụng bình to - bình refill, ly thủy tinh, ly giấy.
Chị có liên kết với các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới không?
Chúng tôi cũng có nhiều liên hệ với các tổ chức như National Graphic, 4Oceans và còn nhiều tổ chức khác. Liên kết để hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ như khi mình đến một vùng mới thì những tổ chức ở đó sẽ hỗ trợ mình. Icham, Euro Cham, các lãnh sự quán, đại sứ quán của Pháp, Italia, Canada,… đều đang hỗ trợ No Waste Vietnam, kêu gọi những công ty của nước họ cùng tham gia dự án với chúng tôi.
Xin cảm ơn chị và chúc chị cùng No Waste Vietnam gặt hái thêm nhiều thành công!
Selena Le (Lê Thị Bích Hoàn) sinh năm 1982, là một nữ doanh nhân trong nhiều lĩnh vực: thời trang, phát triển thương hiệu cá nhân,…
Từ ngày 10/12/2018, chị trở thành nhà sáng lập chương trình No Waste Vietnam (slogan: Saving environment by actions – Bảo vệ môi trường bằng hành động), với mục tiêu giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống tại Việt Nam, hướng tới ngừng hẳn sử dụng bao, túi nylon và các vật dụng có khả năng trở thành rác thải nhựa gây nguy hại môi trường.
Hiện tại, nhiều tổ chức môi trường trong và ngoài nước như Euro Cham, Lotte Vietnam, Vietnam Airlines, Saigon Co.op,… đã là đối tác của chương trình No Waste Vietnam.
|