Bản in
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần chính sách đặc thù về thuế, tài chính
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế chưa thực sự phát huy tiềm năng và đạt được những mong muốn như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân đó là chính sách thuế, tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là chính sách thuế, tài chính đặc thù nào cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia?

Hội thảo “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp với Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức diễn ra ngày 27/4, tại Hà Nội đã góp phần trả lời cho câu hỏi trên.

Chính sách tài chính được quan tâm hàng đầu

Hội thảo trên được tổ chức với mong muốn ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học về thực trạng chính sách thuế tài chính cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, những mặt được, những hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tham dự Hội thảo có đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, báo Nhân Dân, Ban Kinh tế Trung ương, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia, các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý, các trường đại học, học viện khu vực Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)...

Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844 phê duyệt Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo đó, nhiều chính sách mới đã được ban hành nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp. Kết quả nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng cao và đang hoạt động hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực thế hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế chưa thực sự phát huy tiềm năng và chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một trong những nguyên nhân đó là chính sách thuế, tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là chính sách thuế, tài chính đặc thù nào cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

PGS.TS. Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về vấn đề này TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, Đề án 844 nằm trong khuôn khổ từ nay đến năm 2020 về cơ bản sẽ hoàn thiện một bước thể chế chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Đề án với 3 cấu phần chính, trong đó có chính sách về đầu tư thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư trong nước nước ngoài, tập đoàn, cá nhân, từ các quỹ...; chính sách về thanh quyết toán, chuyển lợi nhuận, thoái vốn...

“Chính sách tài chính luôn được quan tâm hàng đầu. Để tháo gỡ khó khăn, học tập kinh nghiệm nước ngoài, đưa vào Việt Nam những chính sách phù hợp nhất thì rất cần vai trò của các nhà khoa học, người đã có nhiều thời gian nghiên cứu, có kinh nghiệm để chuyển tải kiến thức và kinh nghiệm đó cho các nhà làm chính sách. Làm sao có chính sách để thực sự đưa vào cuộc sống, không chỉ là chính sách hợp lý hợp pháp trên văn bản, học tập kinh nghiệm của nước ngoài một cách có chọn lọc để thích ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư”, TS. Phạm Hồng Quất cho hay.

Một thách thức đặt ra là, chính sách không chỉ hướng đến các doanh nghiệp trong nước mà còn phải hướng đến các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam như thế nào?

Xác định rõ chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

PGS.TS. Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính thông tin rằng, chương trình Quốc gia khởi nghiệp được bắt đầu từ năm 2016, sau gần 2 năm phát động, chương trình đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Dẫn nguồn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Văn Liên cho biết, năm 2016, Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm với số vốn đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp cùng với khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh.

PGS.TS. Phạm Văn Liên cho rằng mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, khởi nghiệp quốc gia với mục tiêu xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những thành công nhất định tuy nhiên chặng đường đồng hành cùng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần hoàn thiện và sửa đổi hành lang pháp lý đặc biệt là các chính sách tài chính nhằm sát cánh trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo

PGS.TS. Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính cho rằng trước khi xây dựng chính sách về thuế, tài chính cần xác định rõ chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp gồm có 03 nhóm: Các doanh nghiệp khởi nghiệp; các đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức ươm mầm, các chuyên gia cố vấn; các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.

PGS. TS. Lý Phương Duyên cho biết, mặc dù hệ thống chính sách thuế ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định riêng cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng có thể thấy trong các văn bản pháp luật về thuế đã có những quy định mà các chủ thể có thể áp dụng. Ví dụ như: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế đối với một số khoản thu nhập; cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp...

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đi sâu phân tích các khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế chính sách tài chính, kế toán, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời phân tích làm rõ những thành công và hạn chế trong việc sử dụng cơ chế, chính sách tài chính nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước từ đó đúc kết bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đề xuất nhằm đổi mới cơ chế chính sách tài chính để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025.

Các nội dung tham luận bước đầu giúp những nhà hoạch định chính sách tiếp cận được cách xử lý về mặt chính sách quốc gia cũng như gợi ý cho một số chính sách đặc thù ở cấp độ địa phương ở các thành phố lớn. Tại hội thảo, các tham luận cũng như ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm từ nhà khoa học, các nhà quản lý đưa ra được đề cập khá toàn diện từ cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như các đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Bài, ảnh: Bảo Chi