|
|||
Ông Đỗ Hoài Nam: Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987 đã tạo hành lang pháp lý và môi trường thu hút vốn, công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Nghị định số 06/2000/NĐ-CP quy định về việc hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng đã được ban hành. Theo Nghị định này, việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH-CN chỉ áp dụng trong phạm vi các hoạt động hợp tác vì mục đích lợi nhuận; hình thức hợp tác chủ yếu là đầu tư thành lập viện, trung tâm nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện dịch vụ liên quan đến nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế theo hình thức liên doanh hoặc thí điểm thành lập cơ sở 100% vốn nước ngoài… Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này chưa đạt được kết quả như mong đợi. Dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực KH-CN còn rất ít, chủ yếu tập trung tại các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh, ít rủi ro như kinh doanh khách sạn, văn phòng cho thuê, bất động sản, các ngành công nghiệp gia công,… - Bộ KH-CN đã chuẩn bị như thế nào cho việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định này của Chính phủ? Ông Đỗ Hoài Nam: Bộ KH-CN đã phân công các đơn vị có liên quan cập nhật và nội dung của Nghị định trên Cổng thông tin điện tử Bộ KH-CN; giao Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế lập kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định; phối hợp với Ban KH-CN địa phương xây dựng kế hoạch phổ biến, hướng dẫn các Sở KH-CN thực hiện Nghị định; giao cho một số đơn vị có liên quan trong Bộ tổ chức nghiên cứu, soạn thảo một số Thông tư hướng dẫn. - Điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ như thế nào, thưa ông? Ông Đỗ Hoài Nam: Về cơ bản giống như điều kiện hoạt động của tổ chức KH-CN trong nước. Tuy nhiên sẽ có sự thay đổi ở một số nội dung như: quy định về vốn đăng ký tối thiểu khi đăng ký hoạt động; lĩnh vực hoạt động của tổ chức KH-CN có vốn đầu tư nước ngoài phải là những lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích và có nhu cầu… - Nghị định số 80/2010/NĐ-CP có ý nghĩa như thế nào đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH-CN nói riêng và đối với việc thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN nói chung? Ông Đỗ Hoài Nam: Đây là khung pháp lý cho hoạt động KH-CN của tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực KH-CN tại Việt Nam và ở nước ngoài; tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân phát triển KH-CN trên cơ sở hợp tác, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi, không phân biệt phi lợi nhuận hay có lợi nhuận. Nhà đầu tư trong nước được hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực KH-CN thuộc lĩnh vực không bị cấm và được khuyến khích hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong các lĩnh vực KH-CN Việt Nam có nhu cầu. Đồng thời, thông qua hoạt động hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH-CN sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN. - Trong Nghị định cũng nêu rõ 06 lĩnh vực KH-CN được khuyến khích hợp tác, đầu tư với nước ngoài. Lĩnh vực KH-CN nào đã và sẽ là trọng điểm đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN trong thời gian tới? Ông Đỗ Hoài Nam: Việc lựa chọn lĩnh vực KH-CN nào là ưu tiên để đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế về KH-CN trong thời gian tới phụ thuộc vào Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam từ nay đến năm 2020. Theo tôi, trong giai đoạn tới, sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, tập trung đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, đầu tư vào nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học và tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng,… Xin chân thành cảm ơn ông!
|