|
|||
Trong tham luận đại diện cho Sở KH&CN TP.HCM, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố khẳng đinh, từ năm 2011 cho đến nay, TP.HCM đã và đang tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy các nguồn lực KH&CN như chính sách phát huy đội ngũ trí thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách nhằm tăng cường hiệu quả ứng dụng của các công trình nghiên cứu để hoạt độg nghiên cứu khoa học đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; chính sách nhằm kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất - kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư cho KH&CN. Song song với việc đầu tư ngân sách cho KH&CN, trong nhiều năm vừa qua, Thành phố cũng đã chú trọng đến việc đẩy mạnh xã hội hóa để huy động vốn đầu tư phát triển KH&CN, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, số liệu được Sở KH&CN TP.HCM trình bày tại hội nghị cho thấy, có 11 doanh nghiệp báo cáo có thành lập Quỹ phát triển KH&CN, trích lập Quỹ với tổng số tiền 1.903 tỷ đồng, trong đó số tiền chi sử dụng thực tế là 384 tỷ đồng.
Trong số 242 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động, thì có 63 tổ chức công lập, và trong giai đoạn năm 2011-2017 đã có 1010 đơn vị được cấp giấy chứng nhận tổ chức KH&CN với tổng số vốn đăng ký hoạt động KH&CN là 243,6 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cũng đã giới thiệu đến khách tham dự là đại diện Sở KH&CN các tỉnh-thành, giảng viên các trường viện về mô hình trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SiHUB), hai phòng thí nghiệm mở (open Lab) tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE) và Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán hướng đến việc hỗ trợ cộng đồng các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong công tác thử nghiệm, nghiên cứu các giải pháp, đề tài khoa học.
Ngoài ra, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Sở KHCN Thành phố cũng tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành nhiều chương trình quan trọng giúp thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại địa bàn quận-huyện cũng như những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển KHCN, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, SiHUB là điểm sáng của chương trình hỗ trợ phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của TP.HCM khi đã hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật cho hơn 640 dự án của hơn 1.500 cá nhân, tổ chức; liên kết hơn 3.000 cá nhân cũng như nhóm cá nhân với nhiều nhà đầu tư, vườm ươm, nhà đầu tư thiên thần, tổ chức tư vấn.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, bằng việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế đồng bộ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện, trường thông qua hai chương trình quan trọng là Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu (còn gọi là Chương trình 04) và Chương trình chế tạo robot công nghiệp đối với các đề tài, dự án đặt hàng của doanh nghiệp tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp ưu tiên của Thành phố như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa - cao su, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghệ cao, thì từ năm 2013 đến nay, hai chương trình nói trên đã thực hiện 44 đề tài, đề án với tổng kinh phí đầu tư 83,387 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nươc hỗ trợ 36,141 tỷ đồng, còn kinh phí huy động từ xã hội là 47,246 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng khẳng định, kết quả đạt được chính là minh chứng cho sự thành công của cơ chế "liên kết hợp tác 3 nhà" mà TP.HCM quyết liệt thực hiện, đó là gắn kết Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - và Nhà trường, viện trong hoạt động phát triển, nghiên cứu KH&CN trên địa bàn.
Hay nói cách khác, đồng quan điểm với ông Phùng, Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ KH&CN Phạm Xuân Đà khẳng định, để phát triển tốt tiềm lực KH&CN thì chúng ta cần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, cần khai thác hiệu quả và linh hoạt nguồn lực đầu tư xã hội hóa. |