Chiều 9/8, Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông cáo báo chí tổng kết về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan.
Thông cáo báo chí nêu rõ, từ ngày 2 đến 7/8, Bộ trưởng cấp cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hishammuddin Tun Hussein dẫn đầu đoàn đại biểu của Malaysia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan thông qua hình thức trực tuyến.
Thông cáo báo chí điểm lại kết quả của tất cả các hội nghị, trong đó tập trung vào các hội nghị như: AMM-54, Hội đồng điều phối ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tại Hội nghị AMM-54, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận về việc thực hiện các quyết định tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020, bao gồm việc thực hiện Khung thỏa thuận về Phục hồi toàn diện ASEAN để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội của khu vực.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Hussein bày tỏ hy vọng rằng việc thông qua Khung thỏa thuận về hành lang du lịch ASEAN sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển trong khu vực với mục đích khởi động lại các hoạt động kinh doanh. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết công nhận chứng chỉ vaccine giữa các nước thành viên để tạo điều kiện đi lại giữa các nước khi biên giới mở cửa trở lại.
Liên quan vấn đề Myanmar, Bộ trưởng Hussein cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thực hiện đồng thuận 5 điểm. Ông cũng hối thúc giới chức Myanmar cho phép đặc phái viên của ASEAN tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở tất cả các bên liên quan.
Tại cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 29, Bộ trưởng Hussein nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kết nối cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế bao trùm và bình đẳng.
Theo ông, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 lần thứ 22 đã ghi nhận phản ứng chung của ASEAN đối với đại dịch COVID-19. Ông hoan nghênh sự hỗ trợ của 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, cam kết hỗ trợ ASEAN trong giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bằng cách ủng hộ Khung thỏa thuận về Phục hồi toàn diện ASEAN cũng như đóng góp vào Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia lưu ý đến vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân bên cạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết thúc đẩy hợp tác bền vững về khả năng tiếp cận và phân phối vaccine.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11, Malaysia đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hợp tác y tế, nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương giữa các quốc gia tham gia EAS và tầm quan trọng của các nước hợp tác trong việc đảm bảo tiếp cận vaccine.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF), Bộ trưởng Hussein kêu gọi các thành viên tham gia ARF hợp tác sâu rộng hơn nữa thông qua việc chia sẻ dữ liệu, các phương pháp hiệu quả và tiến bộ công nghệ, cùng tham gia vào những nỗ lực toàn cầu để đạt được khả năng miễn cộng đồng cũng như như đảm bảo tiếp cận phổ cập và bình đẳng đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.
Malaysia thông báo tại cuộc họp về kế hoạch tổ chức hội thảo trực tuyến về “Vai trò của thanh niên trong việc xây dựng hệ thống kỹ thuật số nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.
Kết thúc thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo về Tuyên bố chung của AMM-54, nêu rõ nhìn chung việc triệu tập hội nghị và các cuộc họp liên quan cho thấy các ưu tiên tập trung vào các nỗ lực hợp tác lấy con người làm trung tâm tại thời điểm chưa từng có tiền lệ và đầy thách thức này của hiệp hội.