Bản in
Sinh viên nghiên cứu khoa học - còn nặng về phong trào
Nghiên cứu khoa học (NCKH) trở nên quen thuộc với sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các trường hầu hết đều có quy định, quy chế cụ thể về việc quản lý và thực hiện NCKH.

 Ngoài những cái lợi như gia tăng kiến thức và kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, sinh viên tham gia NCKH còn được cộng thêm điểm vào điểm chính khóa. Vì những điều này, ở nhiều trường, NCKH trở thành phong trào nhiều hơn là hiệu quả thiết thực mà những nghiên cứu đem lại.

Lan tỏa thành phong trào 

“Lớp em có 56 người thì hết 20 bạn tham gia NCKH. Nhìn chung không khí trong trường rất sôi động, mọi người đều rất hào hứng, gặp nhau là hỏi đề tài nghiên cứu tới đâu, khả thi không và hàng tá những câu hỏi liên quan đến vấn đề các bạn đang nghiên cứu. Bản thân em thấy, các bạn năng động hơn, xông xáo hơn, chịu tìm tòi hơn và khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên cũng gần hơn khi NCKH”, Bùi Duy Đoàn (sinh viên năm 4 Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) nhận xét về không khí NCKH trong trường mình như vậy. 

Hoàng Sơn Giang, cựu sinh viên ĐH Mở TPHCM từng đoạt giải nhất Euréka 2014 (giải thưởng về NCKH do Thành đoàn TPHCM phát động) với đề tài “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương tại TPHCM từ kinh nghiệm của các quốc gia và Đông Nam Á” kể, năm 2013 khi mới học năm thứ 2 nhưng thấy các anh chị năm thứ 3, năm thứ 4 NCKH, Giang đã ao ước được nghiên cứu, tìm hiểu hướng bảo tồn loại hình nghệ thuật cải lương hiện đang bị mai một. Giang gõ cửa ban giám hiệu xin được tham gia NCKH, khi nhà trường đồng ý, suốt 6 tháng trời, Giang lăn xả vào đề tài, khảo sát 1.000 sinh viên ở các trường để tìm nguyên nhân khiến các bạn chưa thích nghe cải lương. Rồi Giang gõ cửa các nhà hát, tìm gặp các nghệ sĩ cải lương để hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này. “NCKH cho tôi nhiều thứ, giúp tôi có tư duy tốt, có khả năng làm việc với cường độ cao, cách xử lý tình huống và kỹ năng thuyết phục người khác. Tất nhiên với sinh viên, đề tài NCKH có giá trị ở chừng mực nào đó, nhưng điều quan trọng là giúp các bạn viết lên những ý tưởng, mong muốn của mình để nghiên cứu có cơ hội đi vào cuộc sống”, Giang tâm sự.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TPHCM), cho biết hiện nay rất nhiều trường đại học tại TPHCM tạo điều kiện cho các sinh viên tham gia NCKH và có nhiều đề tài, trong đó Trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y Dược, ĐH Ngoại thương là những trường có truyền thống với hoạt động này từ rất sớm. Vài năm trở lại đây, thêm ĐH Mở, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Nông Lâm… cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho NCKH. 

Xa rời thực tế 

Dù đã trở thành phong trào trong sinh viên các trường đại học và cao đẳng nhưng khi áp dụng vào thực tế cuộc sống, những công trình NCKH này lại chưa thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh số ít những đề tài có thể đem ra ứng dụng, phục vụ cuộc sống thì có rất nhiều đề tài sinh viên nghiên cứu ở tầm vĩ mô, nghiên cứu những vấn đề rời xa thực tế. Như đề tài về an ninh lương thực thế giới, biến đổi khí hậu thế giới… so với tầm của sinh viên thì quá rộng và quá sâu. Từng NCKH và quan tâm đến các đề tài NCKH trong sinh viên, anh Hoàng Sơn Giang đúc kết: “Hàng năm, các giải thưởng NCKH đều trao rất nhiều giải ở nhiều lĩnh vực nhưng số lượng đề tài nghiên cứu của sinh viên đoạt giải được đưa ra áp dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các đề tài còn lại chỉ dừng lại ở đề tài nghiên cứu, dù có giải, thậm chí là những đề tài được đánh giá cao nhưng vẫn trở thành tài liệu xếp vào thư viện là chính”.

Quả thật, không thiếu những đề tài NCKH của sinh viên mà tên gọi nghe qua đã thấy không thể phục vụ được chính chuyện học tập, nâng cao kiến thức của chính sinh viên, chứ đừng nói có đóng góp cho đời sống xã hội. Có thể kể đến những đề tài như: Tìm hiểu nâng cao kỹ thuật xử lý chất lượng ảnh trong thư viện trường; Xây đựng chương trình quản lý ký túc xá hiệu quả; Xây dựng chương trình quản lý vật tư trong kho của nhà trường… Những đề tài kiểu như trên thường do các nhóm sinh viên (từ 4-5 người thực hiện) và chủ yếu có thể tìm các giải pháp có sẵn trên Internet, phạm vi áp dụng quá nhỏ hẹp và ít đem lại hiệu quả. 

Trao đổi với một số sinh viên từng NCKH, các bạn đều cho rằng, họ gặp nhiều khó khăn để đeo bám những đề tài NCKH chất lượng, có hiệu quả với cuộc sống, thiếu kinh phí để tiếp tục phát triển đề tài. Trong khi đó các nhà đầu tư cũng e dè khi đầu tư cho công trình nghiên cứu của sinh viên bởi nghiên cứu còn sơ sài, tạo phong trào là chính. 
Chưa kể, để làm một đề tài NCKH thì quỹ thời gian của sinh viên không nhiều. Hơn nữa, quy mô các đề tài vẫn chỉ ở một mức độ nào đó, bởi phần lớn các NCKH của sinh viên hiện giờ kinh phí rất thấp hoặc không có kinh phí. Các trường hỗ trợ NCKH cho sinh viên chỉ khoảng từ 5 - 7 triệu đồng. Đòi hỏi sản phẩm với kinh phí chừng đó lại có tính ứng dụng cao, e là khó!

NCKH được xem là một trong những hoạt động quan trọng của sinh viên tại các trường. Một số ý kiến cho rằng, NCKH trong sinh viên hiện đã trở thành một trào lưu, chỉ một số ít đề tài mang tính thực tiễn còn lại hầu hết là đề tài mang tính hàn lâm, nặng lý thuyết hoặc nằm ngoài hơi thở cuộc sống. Sinh viên tham gia NCKH cho có, để không bị coi là tụt hậu… và hơn cả là được cộng điểm! 

Những đề tài thiết thực cho thành phố

Bên cạnh những bất ổn tồn tại bên trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên, cũng cần ghi nhận đã có nhiều mô hình, nhiều dự án được áp dụng vào thực tế, có hiệu quả cao được bắt nguồn từ các đề tài NCKH.  Đặc biệt, những đề tài này đã góp phần đưa ra một số giải pháp giải quyết những điểm nghẽn tồn tại của TP bấy lâu.

Bảo tàng tương tác thông minh

UBND TPHCM gần đây đã hoan nghênh sản phẩm “Bảo tàng tương tác thông minh” của nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM gồm Trần Ngọc Đạt Thành, Phạm Việt Khôi và Nguyễn Hải Đăng.
 
 
Các sinh viên nhận giải tại Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka 2016
 
Các sinh viên nhận giải tại Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka 2016
 
Về hệ thống tương tác thông minh, các bạn trẻ sử dụng một camera hồng ngoại (Microsoft Kinect), tấm bảng kiếng, máy chiếu và một máy tính để điều khiển. Từ một tấm bảng bình thường, kết hợp với camera hồng ngoại và thuật toán của nhóm đã biến tấm bảng thành một bảng có chức năng cảm ứng như màn hình smartphone. Hệ thống này sẽ mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi tham quan bảo tàng: Có thể tương tác trực tiếp với các hiện vật được thể hiện trên màn hình của hệ thống; Thay vì chỉ có thể đọc được những dòng chữ cố định đặt bên cạnh hiện vật, du khách có thể vừa xem video về hiện vật, vừa dùng tay chạm lên các hiện vật để xem thông tin chi tiết hơn về các hiện vật đó; Tính năng được triển khai hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Việc sử dụng những ứng dụng công nghệ hiện đại này nhằm đưa những sản phẩm du lịch của TP phát triển theo hướng có chiều sâu và chất lượng, được đánh giá cao. Giai đoạn đầu sản phẩm này sẽ được triển khai tại 2 điểm là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Khu di tích địa đạo Củ Chi. Đến cuối năm 2017, dự án sẽ được triển khai đến các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn TP.

Vệ sinh răng miệng qua mô hình tích hợp âm nhạc

Giành giải cao nhất của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2016, là đề tài “Hiệu quả cải thiện vệ sinh răng miệng của mô hình tích hợp âm nhạc trong hướng dẫn chải răng cho học sinh tiểu học 9-10 tuổi ở TPHCM” được tài trợ ngay trong lễ trao giải để đưa đề tài ứng dụng cho học sinh tại các trường tiểu học. Tác giả của đề tài NCKH này là Trần Minh Cường, Lê Nguyễn Trà Mi và Nguyễn Thị Lệ Quyên (Trường ĐH Y Dược TPHCM), xuất phát từ trăn trở của nhóm khi thấy các phụ huynh và các em học sinh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Từ hướng dẫn của giảng viên và tham khảo từ nhiều người, nhóm nảy ra ý tưởng thiết lập quy tắc chải răng trên nền nhạc.

 Bài hát Bé ơi chải răng của nhóm được viết trên nền nhạc dance với giai điệu vui nhộn, trong sáng. Bài hát dài 3 phút, được các bạn phân chia thành 2 giai đoạn, 1 phút đầu dành cho công tác chuẩn bị bàn chải và kem đánh răng, 2 phút cuối sẽ được phân đoạn tiết tấu phù hợp với 28 lần chải cho một mặt ngoài của từng hàm, mặt trong khó vệ sinh hơn nên được tiết tấu tăng lên 56 lần. Để các bé nhịp nhàng chuyển vị trí chải răng, cả nhóm ngắt tiết tấu với 3 lần 8 nhịp xen kẽ. Qua thí điểm tại 3 trường: Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5), Nguyễn Văn Trân, Phong Phú (huyện Bình Chánh) tình trạng vệ sinh răng miệng của học sinh được cải thiện hơn trước rất nhiều. Trong thời gian tới, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn TP cũng đề nghị áp dụng dự án này.

Phần mềm “BusMap - Xe buýt thành phố”

BusMap do nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Trưởng nhóm là Lê Yên Thanh, thực hiện xuất phát từ chính nhu cầu cá nhân làm sao có thể đi lại nhanh nhất và tiện lợi nhất bằng xe buýt.  Ứng dụng BusMap đã được chuyển giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, thuộc Sở GTVT TPHCM và chính thức được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Phần mềm này có nhiều tính năng như: Tìm kiếm đường đi, tìm vị trí trạm dừng xe buýt gần vị trí người dùng, tra cứu thông tin chi tiết của từng tuyến xe, xem thời gian chờ xe buýt theo thời gian thực dựa trên dữ liệu thời gian thực từ GPS của xe buýt… Ứng dụng BusMap được tiếp cận thông qua thiết bị di động thông minh chạy một trong ba hệ điều hành phổ biến là iOS, Android và Windows Phone. BusMap còn có phiên bản dành cho người dùng đi xe buýt tại Hà Nội với tên gọi BusMapHN. Hiện phiên bản này vẫn đang tiếp nhận góp ý từ người sử dụng để hoàn thiện các tính năng.