Bản in
Cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực ĐMST
Tại Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Quan điểm này đã được Đảng, Chính phủ hiện thực hóa qua rất nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, quyết liệt trong những năm gần đây, trong đó, Nghị quyết 19-2017 là một minh chứng rõ nét và sinh động.

Tái khẳng định vai trò KH&CN và đổi mới sáng tạo

Nghị quyết 19-2017 không chỉ tái khẳng định vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của quốc gia mà còn chỉ ra việc nâng cao năng lực ĐMST và việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có mối quan hệ cơ hữu mật thiết với nhau. Thêm nữa, có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại những cơ hội lớn cũng như những thách thức thực sự.

Đây chính là thời điểm yếu tố về năng lực sáng tạo cần thể hiện được đúng vai trò của mình đới với sự vận động của nền kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới: một quốc gia phát triển dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo, thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện tại.

Nội dung Nghị quyết 19-2017/NQ-CP có nhiều điểm mới, bắt nguồn chính từ yêu cầu của Chính phủ với những cải thiện mạnh mẽ hơn về năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Nghị quyết 19-2017 đưa ra tới 250 chỉ tiêu liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh và chính quyền điện tử, trong khi các phiên bản trước (từ năm 2014 đến 2016) chỉ nhấn mạnh tới 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới. Điều này một lần nữa cho thấy ý nghĩa to lớn của việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia GCI và Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII. Ngoài việc phản ánh hiện trạng phát triển của nền kinh tế, bộ chỉ số này còn nói lên tiềm lực phát triển của mỗi quốc gia trong dài hạn, với rất nhiều những thông số tham chiếu có tính hệ thống, toàn diện và khách quan.

Với vai trò là cơ quan đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số về ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ hiểu rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy các hoạt động KHCN và ĐMST, để một cách thực chất dần nâng cao năng lực ĐMST quốc gia, cải thiển các chỉ số quốc gia về ĐMST, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thang đo quốc tế.

Cải thiện chỉ số ĐMST theo Nghị quyết 19-2017

Năm 2017, Chính phủ cũng  đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, được thể hiện thông qua việc cải thiện các chỉ số GII. Ngoài ra, ngay sau khi được giao nhiệm vụ cải thiện chỉ số GII, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện ngay các biện pháp khả thi, trong đó phải kể đến việc nhanh chóng cập nhật các số liệu lạc hậu, thu thập và bổ sung một số số liệu còn thiếu, qua đó góp phần có được một đánh giá toàn diện, sát thực hơn về năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt nam qua các số đo và xếp hạng GII năm 2017.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực ĐMST có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020, đã đưa nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về ĐMST với những mục tiêu cụ thể.

Trong đó, đối với chỉ số về ĐMST, Chính phủ đã đặt mục tiêu “Đến năm 2020, các chỉ số ĐMST (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) đạt trung bình ASEAN 5” (tức là đứng sau Singapore, Malaysia và đứng trên Thái Lan và một nước Đông Nam Á khác).

Cụ thể, nhóm chỉ tiêu về Thể chế đạt tối thiểu 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm); nhóm chỉ tiêu Nguồn nhân lực và nghiên cứu đạt tối thiểu 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm); nhóm chỉ tiêu về Cơ sở hạ tầng đạt tối thiểu 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển của thị trường đạt tối thiểu 51 điểm (hiện nay 43,0 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển kinh doanh đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm). Đây chính là năm trụ cột của nhóm chỉ số đầu vào ĐMST, vốn được đánh giá là còn yếu của Việt Nam.

Để triển khai cải thiện các chỉ số về ĐMST nói chung và đặc biệt là các chỉ số thuộc năm trụ cột của nhóm chỉ số đầu vào nêu trên, Chính phủ đã phân công trách nhiệm của từng bộ ngành trong việc chủ trì cải thiện từng chỉ số cụ thể (với 82 chỉ số ĐMST, theo báo cáo GII 2016). Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng. Bộ KH&CN được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số về ĐMST.

Để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ phân công, các bộ, ngành, địa phương phân công đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện cải thiện chỉ số do Chính phủ phân công, xây dựng giải pháp và kế hoạch thực hiện cụ thể; có cán bộ đầu mối phụ trách theo dõi việc thực hiện, phối hợp và báo cáo kết quả thực hiện hàng quý cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP (Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 24/2/2017). Bộ KH&CN cũng đã trao đổi và làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai cải thiện chỉ số ĐMST vào tháng 3 vừa qua, qua đó cung cấp những thông tin cần thiết cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai tích cực và có hiệu quả các giải pháp cải thiện năng lực ĐMST trong nước.

Bài, ảnh: PV