Bản in
Viện nghiên cứu cây ăn quả miền nam: Gắn liền công tác nghiên cứu với chuyển giao
Tạo ra giống Thanh long ruột đỏ Long Định 1, Cam mật ngọt không hạt, Dứa Qeen phục tráng hay Cà chua giống chất lượng cao và chuyển giao cho nhiều đơn vị nhân rộng kết quả nghiên cứu là những thành công mà Viện cây ăn quả miền Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Tăng cường nguồn nhân lực

Với đội ngũ 130 công nhân viên chức, trong đó có 59 nghiên cứu viên, 18 cán bộ trên đại học; sau 16 năm xây dựng và phát triển, Viện cây ăn quả miền nam (Viện) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân các tỉnh phía nam. Những nghiên cứu về giống;  kỹ thuật trồng cây ăn quả, hoa… đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội nơi đây.

Được thành lập năm 1994 trên nền tảng là Trường trung cấp Nông nghiệp Long Ðịnh cũ. Trong thời gian qua, Viện đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước để tập trung vào công tác nghiên cứu. Những chuyên ngành đào tạo sâu như: chọn tạo giống; ngành côn trùng, ngành rau quả, ngành hoa..,Ngoài ra, Viện còn cử nhiều cán bộ đi học ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như Ấn độ để nâng cao năng lực nghiên cứu. 

Song song với công tác đào tạo, Viện còn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với Ô-xtrây-li-a và Nhật Bản triển khai đề tài nghiên cứu trồng ổi xen trong vườn cây ăn quả nhằm ngăn chặn rầy phát tán vi-rút gây bệnh vàng lá Greening tại  tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Hợp tác với Niu Di-lân triển khai trồng thanh long theo hướng GAP. Hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) qua Dự án "Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long".

Với những cố gắng trên, Viện đã cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu có giá trị cao như: Giống Thanh long ruột đỏ Long định 1; Giống cam mật không hạt;  Giống dứa Queen phục tráng: Bốn dòng dứa Queen; Giống cây đầu dòng bưởi Lông Cổ Cò không hạt; Cà chua giống số 1; Đậu bắp xanh mã số 3; Giống hoa cúc Thọ đỏ mini ; Giống hoa đồng tiền Q11... 

 

Sớm chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người sản xuất 

Đúng như chức năng và nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, viện đã có những đóng tích cực trong việc chuyển giao các giống cây ăn quả, các kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân các tỉnh phía nam. 
Với mục tiêu sớm đưa kết quả nghiên cứu đến với bà con nông dân, Viện cây ăn quả miền nam đã hình thành nhiều dịch vụ tư vấn và chứng nhận sản xuất rau an toàn theo VietGap, GloblGap. Với sự hổ trợ kỹ thuật của Viện trong hợp tác với tổ chức VNCI (USAID- Hoa Kỳ) đã xây dựng mô hình sản xuất quả thanh long tại HTX Hàm Minh – Bình Thuận đạt được chứng nhận  EUREPGAP năm 2006.    

Viện cũng tư vấn cho 4 nhóm nông dân với diện tích 11,8 ha xoài Cát Hoà Lộc ở Cần Thơ đạt chứng GlobalGAP năm 2008 với sự tài trợ kinh phí đăng ký chứng nhận của Siêu thị Metro và Viện đã tư vấn thành công cho 22 hộ nông dân  với 30 ha Dứa Queen ở Tiền Giang đạt chứng nhận ViệtGAP vào tháng 8 năm 2009.

Bệnh Viện Cây ăn quả ĐBSCL  là Tổ chức tự nguyện của Viện, thông qua sự hỗ trợ của Dự án CABI, được thành lập từ năm 2006, nhiệm vụ chủ yếu là giúp bà con nông dân xác định đúng đối tượng dịch hại và phòng trừ hiệu quả dịch hại trên rau, hoa và quả. Ngoài ra Bệnh viện còn tổ chức bệnh viện lưu động đến các điểm nóng về sâu bệnh hại để hỗ trợ bà con nông dân tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL.

Những kết quả nghiên cứu được đưa vào cuộc sống ngày một nhiều đã làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội các tỉnh phía nam, giúp bà con nông dân xoá đói giảm nghèo trên chính quê hương mình.

 Quốc Trung