Bản in
Bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
“Trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Vì vậy, trong chính sách của nhà nước về chuyển giao cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đã cho biết như trên khi góp ý với Ban Soạn thảo dự án Luật CGCN (sửa đổi) để góp phần hoàn thiện dự thảo luật.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật chuyển giao công nghệ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, dự thảo đã được chỉnh lý, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đồng ý với ý kiến giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, Khoản 4 Điều 4 quy định đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước. 

“Tôi cho rằng trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Vì vậy, trong chính sách của nhà nước về chuyển giao cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho hay.

Về công nghệ hạn chế chuyển giao, Điểm b, Khoản 2, Điều 11 quy định hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực đặc trưng của Việt Nam. 

"Tôi đề nghị cần làm rõ mặt hàng xuất khẩu chủ lực đặc trưng của Việt Nam là gì. Hiện nay, nước ta chỉ có quy định về ba loại mặt hàng sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, sản phẩm trọng điểm theo quy định của bộ, ngành và sản phẩm chủ lực của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chưa có quy định là sản phẩm đặc trưng là gì. Như vậy, nếu áp dụng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 11 thì phạm vi hạn chế chuyển giao công nghệ là rất rộng, liên quan đến tất cả các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Tôi đồng ý cần phải có quy định để bảo vệ nội địa các công nghệ đang tạo ra sản phẩm là thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định các loại công nghệ hạn chế này để đảm bảo tính khả thi và đồng thời cũng tạo động lực cho việc nghiên cứu và đổi mới các loại công nghệ này”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương góp ý.

Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, về điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ chấp nhận chuyển giao công nghệ và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, Điểm b, Khoản 5, Điều 29 quy định trong hồ sơ chấp thuận chuyển giao công nghệ phải có văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị, đó là bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép phù hợp với ngành, nghề hoạt động.

Về kiểm tra giám sát công nghệ trong dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ, Khoản 2, Điều 21 quy định cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư. Khoản 3 điều này quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ theo kế hoạch đột xuất hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.

Đối với Điểm c, Khoản 1, Điều 58 quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm tra giám sát công nghệ chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được tạo ra việc ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền, đại biểu Phương cho rằng, như vậy, có rất nhiều các cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ ứng dụng công nghệ của các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân. Đại biểu Phương đồng ý cần phải có quy định về kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công nghệ trong dự án đầu tư và hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo đó, dự thảo luật cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về việc phối hợp giữa các cơ quan này từ việc xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra đến việc tổ chức thực hiện. Để hạn chế các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân phải chịu nhiều các hoạt động kiểm tra gây phiền hà và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Về điều khoản chuyển tiếp Khoản 2, Điều 62 quy định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước luật này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì áp dụng theo luật này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương trong trường hợp này thì luật áp dụng vẫn nên là Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 để tránh việc tổ chức, cá nhân phải rà soát và có thể phải làm lại hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. 

Lê Hà (ghi)