Bản in
IoT - vạn vật kết nối: Xu hướng công nghệ của tương lai
Chiều 3/5/2017, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN) TS.Timothy Chou - Giảng viên Đại học Stanford (Mỹ), người tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng “Internet of Things” (IoT - vạn vật kết nối) đã có buổi giao lưu với hàng nghìn sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ trong nước.

Không chỉ tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng IoT, điện toán đám mây, TS.Timothy Chou còn được biết tới là một người có tầm nhìn, dự báo chính xác về các công nghệ của tương lai. Tại buổi giao lưu, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và trao đổi là việc làm thế nào để tận dụng những lợi thế mà IoT mang lại cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Các nhà khoa học trẻ và sinh viên đã đặt ra những câu hỏi xoay quay các vấn đề như tại sao IoT lại là xu hướng công nghệ của tương lai? Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu thế này cũng như những ứng dụng ngày càng lớn của IoT trong đời sống xã hội…

Theo TS.Timothy Chou, IoT sẽ tạo cơ hội rất lớn cho việc ứng dụng các hệ thống dựa trên nền tảng máy tính trong mọi lĩnh vực đời sống trừ nông nghiệp, giáo dục đến y tế. Nhờ đó, cải thiện được năng suất, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế bên cạnh việc giảm thiểu sự can thiệp của con người. Đây là một xu thế tất yếu trong tương lai, nhất là khi chúng ta đang bước vào kỉ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này với nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, cùng tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Vấn đề cần đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn ra cơ hội kết nối toàn cầu, từ đó có phương án đầu tư sản xuất ra các sản phẩm IoT theo từng thế mạnh riêng của mỗi doanh nghiệp.

Tại buổi giao lưu, TS.Timothy Chou đã giới thiệu cuốn sách "Precision: Principles, Practices And Solutions For The Internet Of Things". Tựa sách xuất bản tại Việt Nam là "Chính xác: Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp cho Internet Vạn vật". Cuốn sách được đánh giá 5 sao trên trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon.com – kênh bán lẻ có hàng triệu người sử dụng đến từ hơn 220 quốc gia và 4.5 sao trên Goodreads – mạng xã hội toàn cầu của những người yêu sách với hơn 1,1 tỷ cuốn sách hơn 43 triệu bình luận về sách. Nhiều lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đều đánh giá đây là “cuốn sách phải đọc” và được sử dụng như một tài liệu đào tạo của các tổ chức quan tâm đến phát triển IoT. 

TS. Timothy Chou kí tặng sách bạn đọc

Trong những năm gần đây, IoT là khái niệm được nhắc đến nhiều. Đó là sự kết nối giữa các thiết bị vật lý, phương tiện di chuyển, các toà nhà và nhiều loại máy móc, thiết bị khác thông qua các thiết bị điện tử, phần mềm, cảm biến, truyền động và kết nối mạng lưới cho phép các đối tượng có thể thu thập và trao đổi dữ liệu. Năm 2013, Dự án Global Standards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) đã định nghĩa IoT là “cơ sở hạ tầng của xã hội thông tin”. IoT cho phép các đối tượng có thể được nhận biết và kiểm soát từ xa thông qua một hệ thống mạng, tạo cơ hội ứng dụng các hệ thống dựa trên nền tảng máy tính, nhờ đó cải thiện được năng suất, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế bên cạnh việc giảm thiểu sự can thiệp của con người.  

Chính vì vậy, IoT đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ truyền thông, giám sát môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, chế tạo, quản lý năng lượng, cho đến y tế và chăm sóc sức khoẻ, tự động hoá quản trị các toà nhà và căn hộ, giao thông, quản lý đô thị…

Với những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực IoT, đây là dịp để sinh viên tăng cường những kỹ năng và có định hướng rõ ràng trong tình hình phát triển của mạng lưới thiết bị internet hiện nay. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm triển khai định hướng phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội “tập trung khai thác và phát huy những thế mạnh cốt lõi trong đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ cao và nghiên cứu mũi nhọn, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học và công nghệ có vai trò then chốt đối với nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên