Bản in
Gỡ khó cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp khởi nghiệp được nhìn nhận như một yếu tố tích cực tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên đối với mô hình kinh doanh này, thành công dường như là một từ “xa xỉ”. Do khó khăn về vốn và nhân lực nên dù có ý tưởng sáng tạo, có tinh thần “dám nghĩ dám làm”, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn thất bại.

Khái niệm “khởi nghiệp” hay “startup” không còn mới mẻ ở Việt Nam. Quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp là những cụm từ được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Phần lớn các startup ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh doanh hàng tiêu dùng. Nhiều startup thành công nhưng cũng không ít startup thất bại. Làm thế nào phát huy vai trò của cộng đồng khởi nghiệp này đang là một bài toán khó.

Nhìn vào thực trạng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam có thể thấy, hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu hành lang pháp lý, thiếu vốn đầu tư, yếu về nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp dù có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân, cũng như chưa được tạo điều kiện tốt nhất về mặt chính sách để có thể nhận các nguồn đầu tư đó. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: “Huy động vốn tư nhân để kinh doanh là một hình thức phổ biến trên thế giới nhưng lại rất mới ở Việt Nam. Đây thực chất là hình thức kêu gọi vốn qua kênh trung gian. Các startup có dự án, muốn khởi nghiệp nhưng thiếu vốn và cũng không huy động được vốn nên không thể triển khai”. 

Bà Hằng cho biết, do chưa có quy định nào về mặt pháp lý liên quan đến loại hình kinh doanh mới này nên để hợp thức hóa việc kinh doanh, các startup phải “lái” sang các hình thức kinh doanh tương tự đang được cấp phép như sàn thương mại điện tử, sàn công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, tư vấn tài chính… 
 
Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần một môi trường đầu tư thuận lợi.(Ảnh internet)
 
Đúng là từ trước đến nay, Việt Nam chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước quy định về hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhận xét về môi trường pháp lý liên quan đến khởi nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng, đâu đó có cái gì đó “na ná”, “gần với hỗ trợ khởi nghiệp”, như khuyến khích phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn, khuyến khích phát triển công nghệ cao, khuyến khích phát triển vùng sâu vùng xa khó khăn... Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có chính sách ưu đãi khởi nghiệp”.
 
Mặc dù Nhà nước có chủ trương phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng để chủ trương đi vào thực tiễn, tư duy phải đổi mới. Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện đang tồn tại tư duy về cách tiếp cận của khởi nghiệp. “Khi nói đến phát triển, ta nghĩ ngay đến biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp. Theo tôi, tư duy này không sai nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn” – luật sư Đức nhận định. Ông cũng nhấn mạnh nguy cơ sẽ tạo ra “sự méo mó” về cạnh tranh trên thị trường nếu chỉ hỗ trợ cho một nhóm doanh nghiệp hay một nhóm đối tượng. 
 
Theo ông, cách tốt nhất là phải tạo ra được môi trường thuận lợi, nơi mọi chủ thể, mọi cá nhân đều được cạnh trạnh và phát triển một cách lành mạnh và bình đẳng về cơ hội. Ông cũng chỉ ra những quy định không thúc đẩy khởi nghiệp, thậm chí còn hạn chế khởi nghiệp, chẳng hạn như quy định doanh nghiệp phải có văn phòng làm việc, phải có dây chuyền sản xuất ở quy mô nhất định; người kinh doanh phải tốt nghiệp đại học theo một chuyên ngành phù hợp, có 2 năm kinh nghiệm trở lên,…
 
Đồng quan điểm với luật sư Trương Thanh Đức, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, phải tìm hiểu xem doanh nghiệp khởi nghiệp cần những gì bởi doanh nghiệp khởi nghiệp gần như chẳng có gì trong tay ngoài ý tưởng sáng tạo. Mặc dù kế hoạch kinh doanh của họ có sức thuyết phục đến mấy nhưng nếu ra ngân hàng, chắc chắn sẽ khó được vay vốn vì không có gì để thế chấp. 
 
Khi so sánh về tâm lý lo ngại khởi nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới, một thực tế đáng buồn là mức độ lo ngại khởi nghiệp thất bại ở Việt Nam tương đối cao. Nếu luật pháp của chúng ta không quy định rõ ràng, tâm lý lo sợ không thành công sẽ tăng lên. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, xây dựng hệ thống chính sách mới, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để tạo ra nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Nguồn vốn ấy có thể đến từ cộng đồng, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, từ nhà đầu tư thiên thần… Và khi khởi nghiệp có điều kiện phát triển, theo như cam kết của nhà khởi nghiệp Đỗ Hoài Nam, “ý tưởng sáng tạo sẽ luôn tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế”.
 
Để phát huy tiềm năng của cộng đồng khởi nghiệp, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. 
 
Đề án gồm 11 nội dung lớn, tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đề án có nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo các nhóm khởi nghiệp, cung cấp kiến thức về quản trị doanh nghiệp, về kêu gọi vốn đầu tư, về nghiên cứu thị trường, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng… Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ phát triển, trong đó khoảng 100 doanh nghiệp gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
 
 Giáng Châu