Bản in
Lâm Đồng: Hiệu quả từ những dự án nông thôn miền núi
Gần 10 dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị hàng hóa vật nuôi, cây trồng thuộc Chương trình Nông thôn miền núi ở Lâm Đồng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, đồng thời tạo ra những mối liên kết mới giữa 3 lĩnh vực công nghệ, sản phẩm và thị trường.

Nhiều dự án được triển khai

Lâm Đồng là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ với nhiều ưu thế riêng về điều kiện tự nhiên. Nhằm phát huy lợi thế của tỉnh, trong chương trình phát triển nông nghiệp, Quy hoạch Khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đến năm 2020 đã xác định chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong 6 chương trình trọng tâm.

Trong thời gian qua, mặc dù kinh phí KH&CN hằng năm mới đạt 0,66% tổng ngân sách của tỉnh, song hiệu quả đạt được ngày càng cao, thúc đẩy thay đổi về năng suất và chất lượng trong sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó dự án nông thôn miền núi có vai trò quan trọng, góp phần tích hợp tiến bộ KH&CN, tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất.

Lâm Đồng là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai các dự án nông thôn miền núi ứng dụng công nghệ mới, khả năng ứng dụng và thu hút các tổ chức KH&CN đến tham gia triển khai các dự án trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, từ năm 2006 – 2013, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN, Lâm Đồng đã triển khai được gần 10 dự án, trong đó có 03 dự án trong giai đoạn 2006 – 2011 đã được nghiệm thu.

Các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi được triển khai đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như lúa gạo, rau quả, thủy sản…; phát triển cây trồng đặc sản của địa phương; phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap; bảo quản, chế biến nông, lâm, hải sản; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; xử lý môi trường nông thôn và môi trường làng nghề…

Ghi nhận hiệu quả từ những dự án

Với những kết quả đạt được của các dự án đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mô hình đã được triển khai cho thấy vai trò của ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển sản xuất gắn với các sản phẩm đặc thù của vùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đã có nhiều dự án thành công đạt và được những kết quả quan trọng như “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi ở tỉnh Lâm Đồng”; Dự án triển khai tại Doanh nghiệp chè Minh Rồng trên diện tích khoảng 50 ha. Sau hai năm thực hiện mô hình, vườn chè phát triển tốt và cho năng suất cao. Nhờ áp dụng máy hái trong khâu thu hoạch và quản lý tốt dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên số lần phải phun thuốc trừ sâu còn 4 đến 5 lần/năm, năng suất đạt bình quân 22.101 tấn/ha/năm, đem lại doanh thu đạt 120 triệu đồng/ha và mang lại lợi nhuận là 43,87 triệu đồng/ha/năm. Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi đã góp phần giảm chi phí thu hái và chi phí cho công tác bảo vệ thực vật. Đến nay dự án vẫn được duy trì, là điểm tham quan học tập cho các doanh nghiệp và người trồng chè trên địa bàn.

Hay như dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng” đã xây dựng 20 nhà nuôi trồng nấm tập trung mức công nghệ cao, với diện tích 5.000 m2, nhận chuyển giao 9 quy trình công nghệ do Trung tâm Ứng dụng KH&CN của Sở chuyển giao; đã sản xuất 591,327 tấn nấm bào ngư, 15,1 tấn nấm mèo khô và trên 11 tấn nấm các loại khác; đào tạo 8 kỹ thuật viên, tập huấn cho 200 lượt nông dân trong vùng. Đặc biệt, dự án đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm Bào ngư Đơn Dương”. Đây là mô hình đạt hiệu quả cao và được lãnh đạo huyện rất quan tâm và hỗ trợ.

Sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu

Thực tế nhờ những dự án này ngành nghề trồng nấm của tỉnh đã được khôi phục và phát triển mạnh, định hình là một lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tại Lâm Đồng đã hình thành khoảng 10 doanh nghiệp với trình độ công nghệ khá cao, mức đầu tư lớn (3-5 tỷ đồng/ha), tạo dòng sản phẩm khá ưu thế, có ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong nước, cạnh tranh với nhóm hàng từ Trung Quốc.

Ngoài ra, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất hoa tại Đà Lạt - Lâm Đồng”. Các mô hình sản xuất phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm hoa các loại đáng kể nên đã nâng cao được hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận sản xuất mỗi vụ khoảng 5.000.000 đồng/1.000 m2 so với sản xuất đại trà. Hiện nay các mô hình sản xuất hoa thương phẩm của dự án được nông dân sản xuất hoa trong vùng áp dụng nhân rộng vào sản xuất góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng.

Từ nay đến năm 2020, Chương trình Dự án Nông thôn miền núi Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao giá trị các loài cây trồng, vật nuôi đặc thù theo hướng nông nghiệp an toàn và công nghệ cao, nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa bàn như: lúa ở Đạ Tẻh, Cát Tiên; rau - hoa Đà Lạt; các loại cây dược liệu trong tỉnh như Thông đỏ, Xáo tam phân, Diệp hạ châu, Đẳng sâm; và các loài vật nuôi gồm bò siêu thịt, bò siêu sữa, cá Hồi, cá Lăng… Để đạt được mục tiêu này theo Sở KH&CN Lâm Đồng, cần tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa 4 nhà, đồng thời có cơ chế khuyến khích xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, tạo sự chủ động đầu tư - đối ứng các nguồn vốn mở rộng sản xuất nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Đăng Minh