Bản in
Cần bước đi vững chắc trong đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của chương trình điện hạt nhân. Thứ trưởng Bộ KH - CN Trần Việt Thanh cho biết, thời gian qua, nước ta đã triển khai nhiều kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân song vẫn còn nhiều việc cần bàn.

Từ chế độ đãi ngộ…

Khi chưa có dự án điện hạt nhân, đây là ngành bị bó hẹp, khó tìm việc làm. Sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân sau khi ra trường ít có cơ hội làm đúng chuyên môn. Họ cũng chưa thể ngay lập tức làm việc trong môi trường điện hạt nhân mà cần phải đào tạo thêm do kiến thức ở trường đại học chỉ mang tính chất nền, bao quát chứ không chuyên sâu. Vì vậy rất hiếm sinh viên hào hứng với ngành học này. Mặt khác, các giảng viên cũng ít có điều kiện được đào tạo bồi dưỡng chuyên ngành nên số người hiểu biết sâu rộng về điện hạt nhân còn khiêm tốn. Thậm chí, có những người giảng dạy môn học liên quan trực tiếp tới điện hạt nhân như thủy nhiệt học cũng chưa rõ nó được ứng dụng như thế nào trong nhà máy điện hạt nhân. 

Nước ta mới chỉ có 6 trường đại học và 1 trung tâm được phép đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân. Nếu chỉ có sự động viên, khích lệ và tạo điều kiện từ phía nhà trường mà không có chính sách đãi ngộ cần thiết thì mục tiêu thu hút nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân sẽ khó đạt được. Theo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành: người làm việc thường xuyên, trực tiếp với nguồn bức xạ được hưởng mức phụ cấp 70%; mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở có nguy cơ nhiễm xạ. Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, nếu chỉ với mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu sẽ rất khó thu hút nhân tài về làm việc trong lĩnh vực này.

Ưu đãi về lương bổng chỉ là một phần, môi trường làm việc tốt để họ phát huy được năng lực của mình mới thực sự quan trọng. Họ cần được trang bị đủ phương tiện làm việc, được tự do sáng tạo, được tôn trọng, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

… tới phối hợp hoạt động

Hiện nay, đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân được chia ra nhiều nhánh. Bộ GD - ĐT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực. Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân. Bộ KH - CN lo đào tạo cho các chuyên gia thuộc cơ quan quản lý, cơ quan pháp quy, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cũng như nghiên cứu triển khai. Nếu các nhánh đào tạo không có sự phối hợp sẽ dẫn tới chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả. Tại Phiên họp lần thứ 6 của Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp trong xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, tuyển chọn cán bộ thực tập ngoài nước, tổ chức các khóa học trong nước.

Tuy vậy, muốn xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi, theo Gs Piere Darriulat – nhà vật lý học hàng đầu thế giới, cần phải đào tạo theo nhóm thay vì tách biệt từng cá nhân. Điều đó có nghĩa là trong tương lai, Việt Nam nên tập trung xây dựng một trung tâm quốc gia, với nhiệm vụ duy nhất là đào tạo nhóm các nhà khoa học và kỹ sư phục vụ cho chương trình điện hạt nhân. Học viên cần được học tập liên tục và thường xuyên phối hợp hoạt động, trao đổi kinh nghiệm. Theo đó, bước đầu tiên là phải tuyển các học viên để đào tạo triệt để dài hạn trong nước nhiều năm liên tục, khi đã vững về kiến thức thì việc sang học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài mới đạt hiệu quả. Trung tâm cần theo dõi sát sao tiến trình học tập của từng học viên khi học ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức các bài giảng, hội thảo để họ có nhiều cơ hội tham gia thuyết trình, giảng dạy.

Tại Hội thảo Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân do Bộ KH - CN vừa tổ chức, đại diện Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) Phạm Ngọc Đồng cũng cho biết, nhiều chuyên gia của cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, Tập đoàn Rosatom (Nga) đã đến giảng dạy cho học viên của Viện, song hầu hết là những khóa ngắn hạn, chỉ kéo dài một vài ngày. Ông cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân; mời chuyên gia quốc tế am hiểu các vấn đề kỹ thuật như xử lý chất thải hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân tới thuyết giảng cho học viên trong nhiều tháng.

Vai trò của người đứng đầu

Chương trình điện hạt nhân của một quốc gia chỉ thực sự thành công khi có một chuyên gia với trình độ chuyên môn cao lãnh đạo, quản lý. Chương trình điện hạt nhân của Liên Xô trước đây khó có thể thành công nếu thiếu đi sự lãnh đạo trực tiếp và bao trùm của Igor Kurchatov - tổng công trình sư của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Obninsk. Hay thành công của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp CEA cũng nhờ tài năng của Gs Joliot Cuire – người đã từng nhận giải thưởng Nobel, đồng phát minh ra hạt nhân phóng xạ.

Trong hoàn cảnh vừa thiếu vừa yếu về nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân như hiện nay, việc đào tạo một chuyên gia có tri thức khoa học và am hiểu sâu sắc về lĩnh vực điện hạt nhân, có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành chuyên môn là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Đây phải là người thấy được sự cần thiết của chương trình điện hạt nhân, tầm quan trọng của từng cấu phần dự án, gồm các khía cạnh khoa học, kỹ thuật, quản trị và tài chính; có tầm nhìn rộng về chính sách của đất nước trong các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường và đặc biệt phải có ý thức cao về công tác thông tin để duy trì hình ảnh tích cực của chương trình điện hạt nhân tới công chúng.