Bản in
Giải thưởng chất lượng Quốc gia: Nâng tầm thương hiệu của mỗi doanh nghiệp
Ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là thước đo để đánh giá năng lực và chất lượng sản phẩm dịch vụ, nâng tầm thương hiệu của mỗi DN.

Trải qua gần 18 năm hình thành và phát triển GT CLQG, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tác động của Giải thưởng này đối với cộng đồng doanh DN và xã hội?

Ông Trần Văn Vinh: Có thể nói, GTCLQG được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBA) - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ, đã được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu, học tập và xây dựng thành giải thưởng chất lượng quốc gia của mình. GTCLQG nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (APQO) thiết lập.

Năm 2013 là năm thứ năm Bộ KH&CN tổ chức triển khai thành công GTCLQG trên cơ sở nền tảng và các kết quả hoạt động liên tục trong suốt 13 năm (từ 1996 đến 2008) của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam.

Đây là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, (DN) DN đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đây là giải thưởng góp phần nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng văn hóa, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, DN nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước.

GTCLQG năm 2013 có điểm gì mới về cơ cấu, tiêu chí xét tặng giải thưởng, thưa ông?

Cơ cấu của GTCLQG năm 2013 không có sự thay đổi với hai loại: Giải Vàng chất lượng quốc gia và Giải Bạc chất lượng quốc gia. DN đạt Giải Vàng chất lượng quốc gia đủ số điểm đánh giá theo quy định sẽ được đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA).

Các DN tham gia giải ở 4 loại hình gồm: DN sản xuất lớn, DN sản xuất vừa và nhỏ, DN dịch vụ lớn, DN dịch vụ vừa và nhỏ.

Về tiêu chí đánh giá Giải, vẫn giữ nguyên 7 tiêu chí đánh chính trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBA) - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn có thể thay đổi (tên) các tiêu chí cho phù hợp với xu hướng phát triển.

Năm 2013, tổng số các DN được nhận Giải thưởng tăng hơn so với năm 2012, đặc biệt có thêm nhiều nhiều DN lớn được trao giải, vậy ông có đánh giá gì về sự chuyển biến này?

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 10/3/2014 về việc trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013 cho 82 DN. Trong đó, 20 DN được trao Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, 62 DN được trao Giải Bạc Chất lượng Quốc gia.

Cũng trong năm 2013, đã có 02 DN Việt Nam được Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA), bao gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank và Công ty Cổ phần Traphaco.

Thời gian qua, số lượng các DN đăng ký tham gia cũng như đạt giải tăng hơn so với năm 2012 cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng DN về vai trò của giải thưởng. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đã bớt khó khăn khăn, các DN đang trong đà phục hồi tăng trưởng tích cực.

Qua các năm tổ chức, Giải thưởng ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế của Giải thưởng cấp quốc gia về chất lượng của Việt Nam, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều DN, đặc biệt là các DN lớn, bởi đây chính là cơ hội quảng bá và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và các DN tại Lễ trao giải năm 2013

 

Một số ý kiến cho rằng, các tiêu chí đánh giá để xét tặng giải quá khắt khe khiến nhiều DN  không muốn đăng ký tham gia Giải thưởng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Các DN tham gia được đánh giá theo 7 tiêu chí của GTCLQG đối với từng loại hình DN và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. DN sẽ phải vượt qua gần 200 câu hỏi để có thể đạt tổng số điểm tối đa của 7 tiêu chí là 1000 điểm. DN được xét tặng GTCLQG phải có số điểm từ 600 điểm trở lên. DN được xét Giải Vàng Chất lượng Việt Nam phải có số điểm từ 800 điểm trở lên.

Thực tế cho thấy, khi triển khai giải, có rất nhiều DN đăng ký tham gia nhưng số lượng tương đối nhiều DN không vượt qua được các tiêu chí đánh giá bởi Hội đồng sơ tuyển (HĐST) ở tại các địa phương.

Năm 2013, HĐST tại các tỉnh, thành phố đã thẩm định và lựa chọn được 87 hồ sơ của các DN để trình lên Hội đồng quốc gia xem xét, quyết định. Trong đó, HĐST đề xuất xét tặng cho 48 DN được trao giải Vàng CLQG và 39 DN được đề nghị trao giải Bạc CLQG. Tuy nhiên, Hội đồng quốc gia chỉ lựa chọn được 20 DN đủ tiêu chuẩn trao giải Vàng GTCLQG và 62 DN đạt giải Bạc GTCLQG.

Có thể nói, các tiêu chí đánh giá của GTCLQG rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đây là điều kiện để DN phấn đấu hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ của mình tốt hơn. Đồng thời, cũng là chuẩn mực để người tiêu dùng đánh giá về chất lượng sản phẩm dịch vụ, giúp DN nâng tầm thương hiệu của mình.

Vậy cần có những định hướng và giải pháp như thế nào để thu hút các DN tham gia giải cũng như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về GTCLQG, thưa ông?

GTCLQG chính là thước đo phát triển của mỗi DN, là công cụ, động lực để doanh nghiệp phát triển. Việc tham gia giải không những giúp DN ngày càng hoàn thiện mình bằng việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Để giải thưởng ngày càng nhận được sự tham gia đông đảo của các DN, cần có những cơ chế khuyến khích đối với mỗi DN, như hướng dẫn hồ sơ tham gia, thay đổi, bổ sung một số tiêu chí đánh giá giải cho phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển,… Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để cộng đồng DN và toàn xã hội thấy được ý nghĩa cũng như lợi ích của GTCLQG.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp