Bản in
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rau trên đất cát
Ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất rau để giải quyết tình trạng thiếu rau của người dân trên huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận. Đó là mục tiêu chính của Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận thực hiện.

Khắc phục khó khăn về rau

Cũng giống như một số huyện đảo khác, người dân huyện đảo Phú Quý cũng trồng rau xanh nhưng không đáng kể. Diện tích trồng rau chỉ khoảng 3,5ha, trong đó một phần là của các đơn vị vũ trang. Từ diện tích này, hằng năm sản xuất được khoảng 525 tấn rau. Nếu tính cả các loại thực phẩm khác sử dụng như rau, chẳng hạn khoai lang, đu đủ, rau dại thì tổng sản lượng rau có thể được khoảng 550 tấn. Với 26.528 nhân khẩu, chỉ tính quân và dân chưa tính đến khách vãng lai thì huyện đảo này cần tới 3.200 tấn rau/năm mà số rau cung cấp tại chỗ chỉ có 525 tấn thì quả là quá ít so với nhu cầu.

Hơn nữa, diện tích trồng rau ít nhưng lại canh tác thủ công. 100% các hộ trồng rau đều dùng vòi hoa sen để tưới, thao tác tưới rau bằng tay. Các vườn rau hầu hết trồng trên đất cát nên phải tưới nước nhiều, việc che chắn hạn chế ảnh hưởng gió biển chưa được bảo đảm nên chất lượng rau chưa được tốt.

Tháng 4.2010, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau của huyện đảo Phú Quý do KS Nguyễn Hoàng Nhân làm Chủ nhiệm và Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam được chọn là cơ quan chuyển giao công nghệ. 

Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Dự án tạo ra 150 vườn rau, mỗi vườn cung cấp rau cho 1 hộ với 5 - 6 người và 15 nhà lưới trồng rau. Tổng diện tích sản xuất rau áp dụng khoa học kỹ thuật mới gần 15.000m2, rải rác khắp 3 xã của huyện là Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Mô hình này sản xuất được hàng trăm tấn rau/năm. 

Dự án được nhân dân và chiến sĩ đảo quan tâm và đồng tình ủng hộ. Người dân và các chiến sỹ lực lượng vũ trang đã có thể tự sản xuất, cung cấp rau cho bữa ăn hàng ngày và mang bán ra thị trường, hạn chế sự phụ thuộc rau vào đất liền. Đặc biệt là khắc phục được khó khăn, căng thẳng về lương thực, thực phẩm trong mùa mưa bão. 

Vào mùa mưa, tất cả các loại rau ăn lá khó trồng như cải ngọt, tần ô, xà lách,… nhưng khi được trồng trong nhà lưới đều sinh trưởng tốt. Điều này cho thấy, việc ứng dụng trồng rau có che chắn và tầng giữ ẩm để cải thiện khả năng sản xuất rau trên vùng đất cát tại huyện đảo Phú Quý, rau có thể trồng được quanh năm, không bị ảnh hưởng của thời tiết. Đặc biệt, dự án còn tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân trên đảo.

Cải thiện đời sống quân và dân huyện đảo

Ngoài những kết quả ấn tượng về sản phẩm là các loại rau, dự án còn có nhiều sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ông Huỳnh Tấn Phát, thành viên dự án cho biết, thiết kế ban đầu các cột làm nhà lưới bằng trụ bê tông cốt sắt. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, do điều kiện thời tiết, khí hậu đặc thù của huyện đảo Phú Quý với gió mang hơi muối mặn làm cho tuổi thọ của trụ bê tông cốt sắt giảm đi rất nhiều. Trước tình hình đó, Chủ nhiệm dự án đã đề nghị thay đổi trụ bê tông cốt sắt bằng trụ bê tông cốt sắt bọc trong ống nhựa PVC để bảo đảm độ bền và tính thẩm mỹ cho công trình.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhân cho biết, theo thiết kế ban đầu, cọc néo giữ nhà lưới để nhà lưới đứng vững trong mưa bão là cọc tầm vông vót nhọn cắm vào đất. Đây là điều không phù hợp với điều kiện thực tế tại đảo nên nhóm thực hiện đã đề nghị cho đổi cọc tầm vông thành khối bê tông cốt sắt, kích thước 40 x 40 x 30cm âm sâu dưới đất. Như vậy sẽ đảm bảo tính vững chắc và lâu dài cho nhà lưới.

Trong khi thực hiện, nhóm dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh mặt tài chính thì việc triển khai dự án cũng gặp khó khăn do thời tiết; trong hai năm 2010 và năm 2011, huyện đảo Phú Quý mưa nhiều, các vùng đã được khảo sát chọn hộ gia đình tham gia dự án trước đây bị ngập úng nên không thể xây dựng mô hình được. Vì vậy, cơ quan chủ trì phải tiến hành khảo sát chọn lại hộ tham gia nên cũng gây ít nhiều khó khăn về thời gian cho dự án.

Hiện nay, dự án có sức lan tỏa rất lớn tại địa phương, người dân nơi đây xem trồng rau như là một nghề thực sự, những tháng biển động vẫn có một nguồn thu nhập ổn định từ rau. Theo báo cáo, dự án đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho 9 huyện, thị xã, thành phố trong đất liền để nhân rộng mô hình. Hiện nay đã có nhiều hộ gia đình ở huyện Tánh Linh và thị xã La Gi tự bỏ kinh phí để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới phun tiết kiệm nước.

Một trong những thành công quan trọng của dự án là góp phần nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau; giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Bà Huỳnh Thị Lanh, Phó chủ tịch xã Ngũ Phụng - huyện đảo Phú Quý chia sẻ, quân và dân trên địa bàn huyện rất quan tâm đến dự án này, đặc biệt là mô hình trồng rau nhà lưới có hệ thống tưới tự động. Chúng tôi rất mong Ban dự án và các cộng tác viên tiếp tục công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại chỗ cho quân và dân huyện đảo.