|
|||
Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức, cá nhân thực hiện công việc bức xạ trong cả nước, các tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT), các cơ quan, tổ chức có hoạt động hợp tác và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, hạt nhân.
Toàn cảnh Hội nghị. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về ATBXHN trong phạm vi cả nước, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật và các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực NLNT trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đáp ứng sự cân bằng giữa nhu cầu, lợi ích của các ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong các lĩnh vực và các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân cho phát triển bền vững. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, cùng với hoạt động Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cục ATBXHN, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về ATBXHN giai đoạn 2022-2024, đề xuất các giải pháp, kiến nghị và định hướng trong thời gian tới. Kể từ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ I năm 2014, trong hơn 10 năm qua, các Hội nghị pháp quy hạt nhân đã thực sự phát huy vai trò là diễn đàn quan trọng để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở bức xạ cùng tổng kết hoạt động, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn, an ninh, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị. Ngay sau Lễ khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN đã có bài trình bày về công tác quản lý nhà nước về ATBXHN ở Việt Nam. Trong khoảng 20 năm gần đây, ứng dụng NLNT đã mang lại đóng góp to lớn đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như y tế, công nghiệp, nông nghiệp và tài nguyên môi trường. Trong 2 năm 2022-2024, sự phát triển nhanh của ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ thể hiện qua số lượng giấy phép, giấy đăng ký tăng gần 12-15%. Các thiết bị bức xạ tiên tiến trong y học hạt nhân và xạ trị tiếp tục được triển khai tại nhiều tỉnh trong cả nước. Hiện, Bộ KH&CN đang thực hiện Đề án xây dựng Luật NLNT (sửa đổi); Quy hoạch phát triển ứng dụng NLNT đến 2030 tầm nhìn đến 2050; Dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân. Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết, công tác quản lý trong 2 năm qua đã ghi nhận những thành tựu về hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, đẩy mạnh hoạt động cấp phép, cấp đăng ký trên Hệ thống dịch vụ công cấp độ 4; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp phép. Công tác thanh tra ATBXHN được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đạt mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân; triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế; phối hợp các Bộ, ngành tăng cường hạ tầng an ninh hạt nhân quốc gia; triển khai hiệu quả các ứng dụng NLNT; sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.
Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải báo cáo về công tác quản lý nhà nước về ATBXHN. Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, bảo đảm sự phát triển bền vững của ứng dụng NLNT cần: tăng cường nguồn lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Cơ quan pháp quy hạt nhân dựa trên 03 trụ cột cơ bản (xây dựng văn bản; thẩm định - cấp phép; thanh tra an toàn bức xạ) bên cạnh công tác hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin đào tạo phục vụ quản lý nhà nước; tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện mạng quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia và cơ sở dữ liệu phông phóng xạ môi trường phục vụ công tác ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân; phối hợp hiệu quả với Tổng cục Hải quan khai thác hiệu quả hệ thống cổng phát hiện phóng xạ tại sân bay, cảng biển, cửa khẩu; kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu kim loại có nguy cơ nhiễm xạ. Tại Hội nghị, bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội đã báo cáo về Công tác quản lý nhà nước về ATBXHN trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tính có khoảng 600 nguồn phóng xạ đang sử dụng, hơn 1.500 nguồn phóng xạ đang lưu giữ, khoảng 250 cơ sở tiến hành công việc bức xạ, hơn 400 cơ sở tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế). Thành phố luôn chú trọng công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoạt động cấp phép được đảm bảo xử lý đúng hạn theo quy định, thanh tra kiểm tra an toàn bức xạ đã được triển khai thực hiện tốt góp phần quan trọng trong việc tuân thủ pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân. Bên cạnh đó, công tác quan trắc phóng xạ môi trường, diễn tập ứng phó sự cố, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATBXHN cũng được thực hiện thường xuyên. Theo bà Nguyễn Tố Quyên, để tăng cường hơn nữa công tác QLNN về ATBXHN, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung để đảm bảo thông tin quản lý các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng cấp các kho lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, có cơ chế phù hợp đối với các đơn vị có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng để đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ.
Bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội báo cáo tại Hội nghị. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30-31/07. Tại các phiên họp toàn thể theo chuyên đề, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về các nội dung chính gồm: Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân; An ninh hạt nhân - Phóng xạ môi trường - Ứng phó sự cố. Bài, ảnh: Hà Chi - Phan Hoàn |