Bản in
Hợp tác nghiên cứu quốc tế, ứng dụng vật lý hạt nhân
Ngày 27/10, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) tổ chức hội thảo và triển lãm Ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực KH&CN hiện nay.

Tại hội thảo, TS. Dmitry Kamanin, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của JINR và GS. Boris Sharkow, Giám đốc phụ trách phát triển với các đối tác khoa học của JINR đã giới thiệu về hoạt động nghiên cứu của JINR, đóng góp của tập thể các nhà khoa học Việt Nam tại JINR.

Hiện JINR là cái nôi đào tạo nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực vật lý hạt nhân tại Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm KH&CN nói riêng, góp phần đưa các ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam cử khoảng 20 cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ, sang học tập và nghiên cứu tại JINR.

Theo chia sẻ của các nhà khoa học, vật lý hạt nhân có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực KH&CN, như khoa học sức khỏe, khoa học vật liệu, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu mới…

Các nhà khoa học cũng cho rằng, đào tạo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo. Để thu hút nhiều hơn các bạn trẻ tài năng lựa chọn học các lĩnh vực KH&CN, JINR đang triển khai xây dựng các khóa học online, khóa học mở giới thiệu khoa học một cách cơ bản nhất, dễ tiếp cận nhất với đại chúng. Sinh viên Việt Nam hoàn toàn được tự do khai thác nguồn tài liệu này.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị trực thuộc Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Trường Đại học KH&CN Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm về tiềm năng rất lớn của vật lý hạt nhân trong nhiều lĩnh vực KH&CN. Việc tăng cường lực lượng nhóm nghiên cứu Việt Nam tại JINR với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau sẽ tạo một cầu nối vững chắc cho hợp tác nghiên cứu giữa JINR, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khác của Việt Nam.

 
 

Sinh viên tham quan các phòng thí nghiệm của JINR với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo


Chia sẻ thông tin về các hoạt động mà Việt Nam tại JINR, PGS.TS. Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý cho biết, nhiều hoạt động hợp tác đã được triển khai trong thời gian qua như: Tổ chức các nhóm nghiên cứu chung giữa các phòng thí nghiệm của JINR với phòng thí nghiệm của Viện Vật lý, tập trung nghiên cứu chủ yếu về các vấn đề hạt nhân, phản ứng hạt nhân và vật lý neutron; cử các cán bộ sang học tập nghiên cứu tại JINR không chỉ trong lĩnh vực vật lý mà còn các phòng thí nghiệm khác như công nghệ thông tin, hóa học, y sinh.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây... rất quan trọng đối với nghiên cứu địa vật lý, đặc biệt có thể ứng dụng vật lý hạt nhân trong cảnh báo thiên tai.

Ông Nguyễn Xuân Anh lấy ví dụ về trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, nhưng chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

Do đó, thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu mong muốn được cộng tác với các chuyên gia của JINR trong việc triển khai quan trắc địa vật lý, phân tích dữ liệu, mô hình hóa và dự báo (động đất, sóng thần, khí hậu, thời tiết, ô nhiễm không khí, sol khí và sét…). Đồng thời, mong muốn được hợp tác làm việc tại Phòng thí nghiệm Dzhelepov về các vấn đề hạt nhân liên quan đến vật lý sét.

Tại hội thảo, các đại biểu và sinh viên Trường Đại học KH&CN Hà Nội cũng được tham quan triển lãm trưng bày các sơ đồ tương tác đa phương tiện của các dự án khoa học lớn đang hoạt động và các dự án đang được xây dựng tại JINR, như: Tổ hợp máy gia tốc NICA (máy gia tốc va chạm collider của Nga), Nhà máy các nguyên tố siêu nặng (Superheavy element factory) và Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD...

-----------
JINR được thành lập theo Công ước do 12 nước sáng lập, trong đó có Việt Nam ký năm 1956, là một tổ chức nghiên cứu khoa học liên chính phủ. JINR là một trong những viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Liên bang Nga và thế giới.

Năm 1982, Viện KH&CN Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối để điều phối các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với JINR.

Các chuyên gia Việt Nam tham gia các hoạt động của JINR về các chủ đề liên quan đến vật lý chất rắn, lý thuyết trường, vật lý hạt nhân trong khoa học vật liệu, vật lý ion nặng, tổng hợp và nghiên cứu các đặc tính của hạt nhân nằm xa đường bền, và các chương trình giáo dục. Hiện nay, 15 chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các phòng thí nghiệm của JINR.