Bản in
VKISTT: Những thử thách phía trước
Nền tảng cơ bản cho hoạt động R&D đã hình thành ở Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), cơ sở nghiên cứu được thành lập theo mô hình Viện KIST Hàn Quốc. Tuy nhiên, để đạt được thành công tương tự như Viện KIST, VKIST sẽ phải vượt qua quá nhiều thách thức ở phía trước.

“Dù là đơn vị đến sau trong cộng đồng KH&CN ở Việt Nam, VKIST được gửi gắm sứ mệnh trở thành một viện nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực để phục vụ cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam”, PGS.TS. Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phát biểu trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập VKIST vào ngày 20/5 vừa qua.

Việc đặt những kỳ vọng lớn lao như vậy đối với một viện nghiên cứu như VKIST có phải là điều viển vông? “Bối cảnh Hàn Quốc vào lúc thành lập KIST năm 1966 có một số điểm tương đồng với Việt Nam khi thành lập VKIST”, theo nhận xét của một chuyên gia Hàn Quốc trong video trình chiếu trong buổi lễ kỷ niệm. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc đang tìm cách thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN để phát triển các ngành công nghiệp còn non trẻ - KIST chính là một trong số giải pháp đó. “Nếu cùng nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rất rõ dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, KIST đã trở thành viện nghiên cứu ứng dụng đầu tiên ở Hàn Quốc và đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc trong mấy chục năm qua”, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Viện trưởng VKIST Bùi Thế Duy nhận xét.

Những viên gạch đầu tiên

Là một trong những người chứng kiến VKIST từ thời điểm nó mới chỉ là ý tưởng, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, một trong những người tham gia vào quá trình chuẩn bị cho VKIST, điểm lại các dấu mốc đáng nhớ và cho rằng “tất cả các bên từ Việt Nam, Hàn Quốc, từ Viện KIST cho đến các bộ, ngành của Việt Nam, chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều để có được cơ sở nghiên cứu khoa học hiện đại và khang trang như ngày hôm nay”.

Cũng như bất kì tổ chức nghiên cứu nào khác, việc có được cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân lực và cơ chế là những điều kiện tiên quyết để VKIST đi vào hoạt động. “Quãng đường 5 năm vừa qua là giai đoạn một của dự án VKIST, chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất”, PGS.TS. Phương Thiện Thương cho biết. Trong giai đoạn này, tổng đầu tư cho dự án là 70 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA không hoàn lại từ phía Hàn Quốc là 35 triệu USD, nửa còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, bao gồm quyền sử dụng đất, hạ tầng và nguồn chi thường xuyên trong những năm đầu xây dựng.

Làm thế nào để nguồn đầu tư này phát huy hiệu quả, tránh dàn trải lãng phí có lẽ là một trong những suy nghĩ thường trực của những người đứng đầu tâm huyết với dự án. Do vậy, ngay cả trước khi thành lập đề án, Chính phủ Việt Nam đã xác định hai lĩnh vực nghiên cứu chính của VKIST là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Việc tập trung đầu tư hai lĩnh vực này không chỉ phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam mà còn bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới. “Tôi nghĩ lý do cho lựa chọn này khá rõ ràng. Đây là hai lĩnh vực đang rất năng động và nhiều quốc gia tin tưởng rằng đó là lĩnh vực của tương lai, lĩnh vực công nghệ cao. Khi nói đến công nghệ sinh học, chúng tôi chỉ nghĩ đến dược phẩm và thiết bị y tế, nhưng ở đây, Việt Nam đưa ra một ý tưởng khác. Đó là công nghệ chế biến sau thu hoạch, thuốc và thảo dược. Nguyên nhân là nền nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế… Còn về thuốc và thảo dược, các bạn có một vùng đất trải dài từ Bắc đến Nam với hệ thực vật đa dạng và nền y học cổ truyền lâu đời mà rất nhiều người cho rằng chưa được khai thác hết tiềm năng”, ông Kum Dongwha, nguyên Viện trưởng VKIST, đồng thời từng là người đứng đầu KIST ở Hàn Quốc, nhận xét trong một bài phỏng vấn trên KH&PT năm 2018.

Một điều thuận lợi là VKIST nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cả hai phía. “Từ năm 2013, các chuyên gia ở KOICA, KIST đã liên tục sang làm việc để hỗ trợ, thúc đẩy dự án này, đặc biệt một người rất quan trọng là TS. Kum Dongwha đã dành một khoảng thời gian rất dài để gây dựng VKIST. Về phía Bộ KH&CN, từ Bộ trưởng Nguyễn Quân, cho đến nay là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc đến VKIST. Ngay khi bắt đầu triển khai dự án, Bộ KH&CN cũng đã cử Thứ trưởng Trần Việt Thanh tham gia ban cố vấn của VKIST sao cho thiết kế được các chính sách, cơ chế của VKIST vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tương thích với hệ thống pháp luật của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy kể lại.

Việc phát triển mô hình viện nghiên cứu hoàn toàn mới ở Việt Nam như VKIST không phải là điều dễ dàng. “Trong 5 năm vừa qua, quả thực có những thời khắc vô cùng khó khăn”, ông Cho Han Deog, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam nhận xét. Những người đồng hành với VKIST ngay từ giai đoạn sơ khởi như PGS.TS. Phương Thiện Thương hiểu rõ điều này: “VKIST khởi đầu với số nhân sự khiêm tốn, chỉ dưới 10 người. Khi tôi về đây thì có 7 người, trong đó tôi là nghiên cứu viên duy nhất”. Hành trình gây dựng để VKIST có đủ nguồn lực cũng như cơ chế hoạt động lại càng thêm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua.

Việc nhìn lại những gì đã trải qua khiến kết quả VKIST đạt được hiện tại càng thêm ý nghĩa. “Đến nay, VKIST đã có hơn 70 thành viên, trong đó có nhiều nghiên cứu viên, chuyên viên giỏi, xây dựng được bốn phòng nghiên cứu thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ tích hợp”, PGS.TS. Phương Thiện Thương báo cáo trong buổi lễ. Từ nền tảng này, các nhà nghiên cứu ở VKIST đã bắt đầu hợp tác với một số đơn vị trong và ngoài nước như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Phenikaa, Viện KIST,... đã triển khai các đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực trên. Kết quả thu được không chỉ là công bố trên các tạp chí quốc tế mà còn là các giải pháp ứng dụng, chuyển giao cho doanh nghiệp. Tiêu biểu như nghiên cứu nhóm hoạt chất có tác dụng hỗ trợ hệ thần kinh do VKIST phối hợp với KIST đã được ứng dụng trong sản phẩm hoạt huyết dưỡng não và Cebraton của Công ty Cổ phần Traphaco, hay nghiên cứu hoạt chất trị viêm khớp từ cây hy thiêm (còn gọi là cây chó đẻ hoa vàng) đã được VKIST chuyển giao cho Công ty Dược phẩm TW 28. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu như robot chuyển động đa hướng, động cơ điện, hệ thống nhận dạng khuôn mặt cũng đang được thử nghiệm thực tế.

Lối thoát cơ chế cho VKIST

Năm năm xây dựng nền tảng cho một viện nghiên cứu kiểu mẫu về R&D và hợp tác với doanh nghiệp vẫn chưa đủ cho một mô hình mới như VKIST phát huy năng lực. Việc áp dụng “một mô hình quản lý mới, một phương thức quản lý mới, cách thức tiếp cận và nghiên cứu KH&CN mới sẽ lan tỏa dần những giá trị tốt ra toàn xã hội” như kỳ vọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ khởi động VKIST vào tháng 11/2017 thực sự gặp phải nhiều thách thức.

Trên thực tế, những khó khăn mà VKIST gặp phải xuất hiện ở nhiều khía cạnh: những yếu tố cần thiết cho hoạt động của VKIST đến nay vẫn chưa có đủ, từ nhân lực, trang thiết bị cho đến cơ chế hoạt động. Về nhân lực, trong kỳ họp Hội đồng VKIST lần thứ 5 vào tháng 10/2021, mục tiêu đặt ra đến tháng 12 cùng năm, số lượng nhân sự sẽ tăng từ 63 lên 100 người, nhưng đến nay đã qua nửa năm, con số trên vẫn quá xa vời. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho VKIST cũng diễn ra chậm chạp: “Phòng thí nghiệm đầu tiên của VKIST về công nghệ sinh học được thành lập năm 2019 và đặt tại KIST ở Hàn Quốc, các phòng thí nghiệm còn lại đặt ở Việt Nam, nhưng sớm nhất là thành lập năm 2020, còn lại là năm 2022. Do vậy, hoạt động nghiên cứu trong thời gian qua của VKIST rất khó khăn, chúng tôi thường xuyên phải đi đến các đơn vị nghiên cứu khác để mượn hoặc thuê máy móc thiết bị”, PGS.TS. Phương Thiện Thương nói.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mức đầu tư chưa tương xứng với những kỳ vọng đặt ra cho VKIST. “Phần vốn ODA từ hai chính phủ như hiện nay chưa đủ để tạo thành một môi trường nghiên cứu tốt. VKIST phải tìm thêm đầu tư, đặc biệt là cho trang thiết bị vì vốn ODA hiện nay chỉ tập trung vào xây dựng nhà cửa là chính”, ông Kum Dongwha nhận xét trong bài phỏng vấn trên KH&PT năm 2018.

Một yếu tố khác quan trọng hơn cả vốn đầu tư chính là cơ chế hoạt động. “VKIST cần nhất là cơ chế tài chính và cơ chế làm việc ổn định, để thu hút nhân lực”, GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, thành viên Hội đồng VKIST, nhận xét trong kỳ họp Hội đồng lần thứ 5 vào tháng 10/2021. Trong cùng cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, “tiền đầu tư cho VKIST thực ra không thiếu, 5 năm trước Bộ Tài chính đã dành sẵn 20 tỷ đồng cho Viện nhưng lại không giải ngân được vì vấn đề định mức và cơ chế xếp lương”.

Vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao cũng đang là khó khăn của VKIST, đặc biệt khi “sự cạnh tranh giữa các đơn vị tư nhân trong và ngoài nước với VKIST hiện nay rất khốc liệt. Chắc chắn chúng ta vẫn còn hành trình rất dài trong tương lai để đạt được những kỳ vọng của mình”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận xét.

Dù rất nhiều tiềm năng ở tương lai nhưng trên hành trình đến với những điểm thành công đó, VKIST không thể tự mình giải quyết. Đó là lý do vì sao TS. Kum Dongwha cho rằng “Với vị thế tiên phong cho mô hình viện nghiên cứu kiểu mới về nghiên cứu hợp đồng với các doanh nghiệp, ở phía trước chúng ta sẽ còn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn thử thách”. Có lẽ, việc giải tỏa nút thắt cơ chế của VKIST buộc phải do rất nhiều bộ, ngành cùng đồng lòng. “Muốn đạt được mục tiêu, Bộ KH&CN cần chủ trì cùng các bộ, ngành, phối hợp với các đối tác Hàn Quốc để xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp cho VKIST”, TS. Nguyễn Quân nói.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân và các đại biểu tham quan các kết quả nghiên cứu của VKIST.

Chúng ta rất tự hào với những thành tựu bước đầu của VKIST, chúng ta cũng rất mong muốn VKIST sẽ sớm phát triển trở thành một viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng về công nghệ. Nhân đây, tôi cũng mạnh dạn bày tỏ hai mong ước của tôi với VKIST.

Thứ nhất, VKIST sẽ phát triển nhanh hơn nữa, bởi vì kinh nghiệm của KIST sau 35 năm thành lập đã trở thành một trong 10 viện nghiên cứu ứng dụng hàng đầu thế giới. Chúng ta đã có 5 năm, làm sao để 30 năm nữa, VKIST cũng sẽ trở thành một viện nghiên cứu như KIST cách đây 20 năm. Muốn đạt được điều đó, Bộ KH&CN chủ trì cùng các bộ, ngành, phối hợp với các đối tác Hàn Quốc có thể xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi và ưu đãi cho viện VKIST.

Thứ hai, sau bốn lĩnh vực VKIST đã đầu tư trong hoạt động nghiên cứu và đã có những kết quả bước đầu, tôi rất mong trong thời gian tới VKIST tập trung vào lĩnh vực thứ năm là công nghệ vật liệu. Bởi vì đây là lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam chúng ta đang rất cần và rất thiếu, cho đến nay, ngành công nghệ vật liệu của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, và VKIST nên là một viện nghiên cứu đi đầu trong công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử và hợp kim. Nếu VKIST làm được điều đó, tôi nghĩ rằng chưa đến 30 năm tôi đã được chứng kiến VKIST được xếp hạng là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của khu vực và thế giới”

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân