Bản in
Cầu nối đưa khoa học vào đời sống
Thực hiện dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển sản xuất nuôi trồng nấm linh chi từ nguyên liệu gỗ keo tại địa phương Hòa Bình”, năm 2021, Trung tâm Phát triển KHCN và môi trường tổ chức nuôi trồng trên 2,5 vạn phôi nấm linh chi, cho thu hoạch 5 lứa được trên 450 kg nấm thương phẩm đảm bảo chất lượng, được thị trường ưa chuộng. 
Trong khuôn khổ dự án, trung tâm mở rộng chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng nấm linh chi từ nguyên liệu gỗ keo cho HTX dịch vụ Hòa Bình, chuyển giao mô hình cho Trạm Khuyến nông huyện Yên Thủy… Cùng với đó, trung tâm đăng ký thực hiện đề tài "Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật trồng thâm canh, trồng xen canh cây bình vôi dưới tán rừng tại tỉnh Hòa Bình”. Đến nay, trung tâm mở rộng cung cấp giống và kỹ thuật chăm sóc cây bình vôi cho 2 huyện Đà Bắc, Kim Bôi.
 
Hội Làm vườn và sinh vật cảnh cũng là thành viên tích cực của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Với trên 1,1 nghìn hội viên, hệ thống tổ chức của Hội đã lan rộng ra các huyện: Lương Sơn, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Cao Phong và TP Hòa Bình. Vài năm gần đây, Hội tích cực tuyên truyền các nghệ nhân, nhà vườn, trang trại phát huy quyền tự chủ, sáng tạo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng KHKT để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong nỗ lực đưa khoa học ứng dụng thiết thực vào đời sống, các thành viên của Hội đã chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP, điển hình như mô hình sản xuất rau và hoa công nghệ cao trong nhà màng của công ty Phương Huyền, tổ sản xuất rau hữu cơ xã Liên Sơn (Lương Sơn), trại cam của HTX Nhật Minh (Cao Phong)… 
 
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cho biết: Hiện nay, Liên hiệp Hội có 8 hội thành viên, 4 đơn vị trực thuộc, 5 hội viên tập thể, thu hút trên 11 nghìn trí thức khoa học, công nghệ tham gia. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều hoạt động của các hội, trung tâm, đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, những hoạt động chính của Liên hiệp Hội vẫn luôn được duy trì với quyết tâm trở thành cầu nối đưa tiến bộ KHKT vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Khắc phục khó khăn, Liên hiệp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội, tập hợp, đoàn kết, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động KHCN. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động tôn vinh sáng tạo kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN.
 
Trong năm 2021, các tổ chức thành viên đã tư vấn, phản biện, giám sát xã hội được nhiều đề tài, dự án quan trọng, tham gia nghiên cứu và đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh một số chủ trương, kế hoạch về phát triển KT-XH. Cụ thể, Liên hiệp Hội đã hoàn thành nhiệm vụ tư vấn, phản biện đề án "Phát triển KH&CN tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”; tư vấn, góp ý các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo quan trọng của Tỉnh ủy, như: Nghị quyết về tạo nguồn và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo đề án "Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025”… Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa KHKT vào đời sống, Liên hiệp Hội còn tham gia tổ chức thành công hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 17 (năm học 2020 - 2021), thu hút 118 giải pháp dự thi… Bằng những hoạt động thiết thực đó, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh góp phần kiến tạo những "cây cầu” đưa khoa học đi sâu vào đời sống, mang đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
 
Nguồn://www.baohoabinh.com.vn/