Bản in
Tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng, an toàn hạt nhân phù hợp tình hình mới
Những kết quả đạt được trong năm 2021 sẽ trở thành cơ sở để Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hướng đến năm 2022, năm quan trọng để chuẩn bị cho dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) cho biết như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Viện vào ngày 30/12/2021.

Những kết quả nổi bật

Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng đội ngũ cán bộ Viện NLNTVN đã linh hoạt thích ứng với tình hình mới, từng bước giải quyết khó khăn. Các đơn vị trực thuộc Viện tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Hạt nhân) đã thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất tại chỗ” nhằm đảm bảo thực hiện việc cung cấp dịch vụ chiếu xạ và công việc hậu cần theo quy định “ba tại chỗ”, an toàn trong tình hình mới theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Vì vậy, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ đều được thực hiện theo mục tiêu đề ra: Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân gắn với thực tiễn, ứng dụng, chú trọng đến chất lượng các sản phẩm khoa học và phát triển công nghệ.

Với mục tiêu nâng cao năng lực KH&CN hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, hỗ trợ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế – kỹ thuật. Các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng, triển khai vào sản xuất và đạt được số kết quả nổi bật như sau: Hoàn thành Hồ sơ yêu cầu cho nhiệm vụ Lập báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm của Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân và trao cho đối tác Nga trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tháng 29/11-3/12/2021; Nghiên cứu thành công và đưa kênh ngang số 1 của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân, đo tán xạ nơtron và đào tạo; Tập thể cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN đã có 68 công trình công bố quốc tế (trong đó 62 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI) và 02 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích; Vận hành 4400 giờ an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1.002 Ci đồng vị phóng xạ các loại và 2114 lọ kit đánh dấu, cung cấp cho các bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần một lần nhằm đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của đất nước nói chung và những bệnh nhân nói riêng (tần suất cao sẽ làm số giờ vận hành lò tăng lên mặc dù sản phẩm dược chất cung cấp giảm do ít cơ sở y tế hoạt động trong mùa dịch, nhưng Viện xác định đây vừa là một nhiệm vụ khoa học vừa là một nhiệm vụ phục vụ xã hội). Xuất khẩu 7,4 Ci dược chất phóng xạ sang Campuchia...

Viện NLNTVN đã hỗ trợ Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KC.05/16-20 tổ chức thành công tổng kết 5 năm triển khai thực hiện với vai trò Viện là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm và Viện trưởng Viện NLNTVN là Chủ nhiệm Chương trình. Hoạt động triển khai sản xuất các sản phẩm kẽm đạt doanh thu 152 tỷ đồng, vượt 152% kế hoạch đề ra trong năm 2021, vượt gần 139% so với năm 2020...

Kết quả từ các hoạt động triển khai, ứng dụng của các đơn vị trực thuộc Viện cũng đạt kết quả tốt. Trong đó phải kể đến Viện Công nghệ xạ hiếm: Hoạt động triển khai sản xuất các sản phẩm kẽm đạt doanh thu trên 152 tỷ đồng, vượt 152% kế hoạch đề ra trong năm 2021, vượt gần 139% so với năm 2020. Viện Nghiên cứu hạt nhân có tổng doanh thu cả năm ước đạt 50 tỷ đồng; Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân có tổng doanh thu từ các hoạt động triển khai ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật tính đến hết tháng 11 năm 2021 đạt 14,140 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020; Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ vẫn cố gắng đạt hơn 55 tỷ đồng với dịch vụ chiếu xạ thanh trùng thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiệt trùng dụng cụ y tế; Dịch vụ sản xuất chế phẩm Nano bạc, các chế phẩm chitosan, vải kháng khuẩn, chất siêu hấp thụ nước; Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đạt tổng doanh thu gần 13 tỷ đồng (năm 2020 là 14,822 tỷ đồng); Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp: doanh thu từ hoạt động triển khai dịch vụ năm 2021 của Trung tâm đạt trên 14 tỷ đồng (tăng trên 60% so với năm 2020).

Toàn cảnh Hội nghị

Cơ hột bứt phá trong năm 2022 

Một trong những vấn đề mấu chốt của Viện trong năm mới là tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực khoa học. Cơ hội để các các bộ của Viện học hỏi là thông qua hợp tác quốc tế. GS. TS. Lê Hồng Khiêm, Đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Nga đã chia sẻ, Viện NLNTVN cần cử những cán bộ trẻ, triển vọng có đam mê nghiên cứu khoa học sang JINR, một môi trường nghiên cứu đa dạng với nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân hay hóa phóng xạ, khoa học vật liệu, sinh học, môi trường. Ông cho biết, JINR-Dubna sẽ có thể đầu tư kinh phí, thiết kế lắp đặt một số thiết bị ở Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân để các nhà khoa học của hai nước cũng như quốc tế cùng nhau nghiên cứu và khi đó có thể coi Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân một chi nhánh, một điểm đại diện của Dubna tại Việt Nam trong tương lai.

Cũng với mong ước khuyến khích các cán bộ trẻ học hỏi, TS. Đặng Đức Nhận, đề cập đến việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng, liên quan đến triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đời sống như thủy văn đồng vị, nông nghiệp hữu cơ… TS. Đặng Đức Nhận cũng nhấn mạnh, để xây đội ngũ lãnh đạo trẻ, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các nhóm nghiên cứu, các dự án, Viện NLNTVN phải là hậu phương vững chắc tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ thì mới hy vọng thay đổi được thế hệ làm lãnh đạo tiềm năng.

Trao đổi về nhiệm vụ của Viện NLNTVN trong năm 2022, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết, song song với việc đẩy mạnh thiết kế lò nghiên cứu mới sẽ quyết tâm thực hiện đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn để triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới hiệu quả. Viện NLNTVN sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng, an toàn hạt nhân để phù hợp với tình hình mới.

Trong năm 2022, Viện trưởng Viện NLNTVN đã đưa ra chủ đề hoạt động của toàn Viện: “Triển khai Nghiên cứu khả thi (FS) Dự án lò nghiên cứu mới, phát triển nguồn nhân lực và năng lực khoa học các hướng nghiên cứu liên quan”. Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân là tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 50-70 năm tiếp theo, và năm 2022 sẽ là năm đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn cho triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới.

Bài, ảnh: Bảo Chi và CTV