Bản in
Đề án 996: Cú hích ‘thổi luồng gió mới’ cho toàn ngành đo lường
Sau hơn hai năm thực hiện, Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả đáng kể.

Ngay sau khi Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) được phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò cơ quan được giao chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án đã chủ động phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với vai trò là cơ quan thường trực cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai đề án và Quyết định thành lập ban điều hành đề án.

Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) sau hơn hai năm thực hiện, Đề án 996 đã triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả đáng kể.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung chính sách hoạt động đo lường tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp: Đã phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019; Đã công bố Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13187:2020) về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020; Đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” kèm theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ hai, về xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ: Tiến hành tổng hợp kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của các bộ ngành, địa phương; tiếp thu ý kiến góp ý, đề xuất của các bộ ngành, địa phương về nhu cầu cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Xây dựng thuyết minh, dự toán nhiệm vụ Bộ KH&CN sẽ chủ trì triển khai cho giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Đề án.

Thứ ba, về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đo lường: Trong năm 2020 đã thiết lập, xây dựng và phê duyệt được thêm 3 chuẩn đo lường quốc gia để tăng cường phát triển hạ tầng quốc gia phù hợp quy hoạch được phê duyêt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 8/8/2013 về phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020. Đến nay đã nâng lên được 31/41 chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt. Đây là tiền đề vững chắc để cho mọi ngành, nghề trong cả nước chuẩn bị hội nhập và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, tổ chức thành công Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào ngày 19/4/2019 tại Quảng Ninh; Tổ chức thành công Hội nghị triển khai thực hiện Đề án 996 về đo lường vào ngày 16104/2020 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc;

Tổ chức thành công Hội nghị khoa học kỹ thuật đo lường toàn quốc lần thứ VII vào ngày 17/10/2020 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Tổ chức thành công Hội nghị triển khai hướng dẫn thực hiện Đề án 996 về đo lường cho một số tỉnh thuộc khu vực phía Nam tại TP Hồ Chí Minh vào 26/3/2021.

Thứ năm, hướng dẫn các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 996 về đo lường: Đối với bộ, ngãnh đã có 3 bộ (Công an, Quốc phòng và Công thương) xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996; Đối với địa phương đã có 53 tỉnh, TP trực thuộc TW xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996; Đề án 996 về đo lường như là cú hích thổi luồng khí mới cho toàn ngành đo lường nhằm hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.