Bản in
Các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá về nông nghiệp bền vững
Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã tập hợp một đánh giá định lượng về tính bền vững của nông nghiệp cho các quốc gia trên thế giới không chỉ dựa trên tác động môi trường mà còn cả tác động kinh tế và xã hội.

Nông nghiệp là nền tảng của sự bền vững

Ma trận Nông nghiệp Bền vững, hay SAM, cung cấp các phép đo độc lập và minh bạch về tính bền vững của nông nghiệp ở cấp quốc gia. Qua đó, có thể giúp các Chính phủ và tổ chức đánh giá tiến độ, khuyến khích trách nhiệm giải trình, xác định các ưu tiên để cải thiện, đồng thời cung cấp các chính sách và hành động quốc gia hướng tới nông nghiệp bền vững trên toàn cầu .

“Ma trận Nông nghiệp Bền vững này là một nỗ lực nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các cam kết của các quốc gia đối với nền nông nghiệp bền vững”, trưởng dự án Xin Zhang thuộc Trung tâm Khoa học Môi trường Đại học Maryland cho biết.

Nông nghiệp là nền tảng của sự bền vững. Tuy nhiên, định nghĩa về “nông nghiệp bền vững” và khả năng đo lường nó rất khó định lượng.

Dự án tạo Ma trận Nông nghiệp Bền vững bắt đầu vào năm 2017 bằng cách quy tụ khoảng 30 bên liên quan và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Bao gồm các tổ chức như: Oxfam, Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc...; Các đối tác học thuật như: University College London, University of Queensland, University of California Berkeley và University of Maryland Centre for Environmental Science. 

Sự quy tụ của các bên liên quan và chuyên gia nhằm đánh giá các tác động của sản xuất nông nghiệp trên quy mô quốc gia xung quanh một loạt các vấn đề môi trường, kinh tế và các khía cạnh xã hội về tính bền vững.

Zhang nói: “Nông nghiệp bền vững là một khái niệm rất phức tạp và nó có những ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, nên rất khó để đánh giá. Để thực hiện cam kết về nông nghiệp bền vững có trách nhiệm giải trình, các phép đo độc lập và minh bạch về tính bền vững của các quốc gia là điều cần thiết”.

“Việc đánh giá tính bền vững không hề dễ dàng, đặc biệt là khi dữ liệu xã hội ở tất cả các quốc gia đều khan hiếm. Chúng tôi hy vọng với Ma trận này, chúng tôi có thể chứng minh giá trị của việc đầu tư nhiều hơn vào dữ liệu xã hội để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nông nghiệp và đóng góp vào công bằng xã hội như một khía cạnh quan trọng của tính bền vững nông nghiệp”, đồng tác giả Kimberly Pfeifer từ Oxfam Mỹ cho biết.  

Trên toàn cầu, nông nghiệp phải đối mặt với thách thức tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số về lương thực, nguyên liệu và năng lượng.

Các quốc gia có nhiệm vụ phát triển một ngành nông nghiệp bền vững không chỉ có năng suất mà còn phải đầy đủ dinh dưỡng, tương thích với hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt là phải có khả năng phục hồi. Do đó, nông nghiệp bền vững đã được đưa vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững được tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc phê chuẩn vào năm 2015.

Ấn bản đầu tiên của Ma trận bao gồm 18 chỉ số đo lường tác động trực tiếp của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường và kinh tế, tác động rộng hơn đến toàn xã hội và thừa nhận rằng nông nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khác.

Điểm nhấn trong ấn bản đầu tiên này là xác định sự cân bằng giữa các chỉ số hoạt động, chẳng hạn như giữa hiệu quả kinh tế được cải thiện và hiệu suất môi trường giảm. Ngoài ra, một số ví dụ ít phổ biến hơn về sự đánh đổi như tăng trợ cấp nông nghiệp không nhất thiết cải thiện dinh dưỡng cho con người.

Chính sách và hành động quốc gia cần hướng tới nông nghiệp bền vững

Đồng tác giả Eric Davidson từ Trung tâm Khoa học Môi trường Đại học Maryland cho biết: “Chưa có nỗ lực nào cung cấp cái nhìn toàn diện về cả ba khía cạnh của tác động nông nghiệp đối với các quốc gia trên thế giới. Khái niệm cơ bản của Ma trận này là sự thừa nhận rằng hệ thống nông nghiệp có thể có nhiều tác động đến tính bền vững”.

Ví dụ, trong khi sản xuất nông nghiệp có thể mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân và phát triển kinh tế quốc gia, nó cũng có thể gây thêm căng thẳng cho môi trường về sử dụng nước, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học...

“Đánh giá toàn diện về tính bền vững của nền nông nghiệp trong một quốc gia mang lại cơ hội tuyệt vời để tiết lộ đầy đủ các đánh đổi tiềm năng, cũng như sự hiệp lực giữa nhiều mục tiêu bền vững và cho phép các lựa chọn sáng suốt dựa trên các ưu tiên của địa phương hoặc chính sách”, tác giả Amy Heyman thuộc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết.

Đồng tác giả Guolin Yao cho rằng: “Trong khi hầu hết các quốc gia đã chứng minh sự đánh đổi mạnh mẽ giữa các khía cạnh môi trường và kinh tế đối với tính bền vững của nông nghiệp, thì có những quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ, cho thấy một số dấu hiệu đầy hứa hẹn về việc đạt được sự hiệp đồng giữa nâng cao năng suất nông nghiệp và giảm tác động môi trường”. 

“Tôi muốn mở rộng quan điểm về quản lý nông nghiệp. Nó không chỉ về những gì đang diễn ra trên trang trại mà còn về những gì đang diễn ra trên thị trường, trong các cuộc tranh luận về chính sách. Sự lựa chọn hàng ngày của người tiêu dùng có tác động cơ bản đến những gì đang được sản xuất, cũng như sản xuất ở đâu và như thế nào”, trưởng dự án Xin Zhang cho biết thêm.

Đồng tác giả Kyle Davis thuộc Đại học Delaware cho biết: “Cuộc cách mạng xanh đã giúp nhân loại có thể nuôi sống sự gia tăng dân số khổng lồ trong những thập kỷ qua, nhưng điều này phải trả giá bằng những tác động lớn đến môi trường và sự bỏ bê dinh dưỡng cũng như sức khỏe tổng thể của con người”.

“Phương pháp SAM của chúng tôi cung cấp một bước tiến đầy hứa hẹn vượt qua những thiếu sót của cuộc cách mạng xanh trong khi cố gắng xây dựng dựa trên những thành công trong quá khứ của nông nghiệp toàn cầu”, Kyle Davis nói.

Trong thời gian tới, Tập đoàn SAM, một dự án do Diễn đàn Belmont tài trợ, sẽ khởi động với 6 quốc gia và khu vực thí điểm, bao gồm Mỹ, Áo, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Châu Phi cận Sahara.

Liên minh sẽ sử dụng ấn bản đầu tiên của các chỉ số SAM như một điểm khởi đầu để thu hút các cuộc trò chuyện và phối hợp giữa các bên liên quan. Đồng thời, hợp tác phát triển giữa các quốc gia để xác định các chiến lược hướng tới nông nghiệp bền vững.

Đối tác của tập đoàn SAM, Tafadzwa Mabhaudhi từ Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi, cho biết: “Đánh giá là bước đầu tiên quan trọng đối với sự bền vững của nông nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất cận biên ở Châu Phi”.

“Đây là một điểm khởi đầu hữu ích để không chỉ đánh giá tiến độ mà còn xác định các ưu tiên cải tiến, đồng thời cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động quốc gia hướng tới nông nghiệp bền vững”, đồng tác giả và đối tác liên danh SAM, Christian Folberth từ Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế cho biết.

Nguồn: danviet.vn