Bản in
Nhà máy Z121 - nơi sản xuất "trái tim" vũ khí
Nhà máy Z121 (Công ty TNHH MTV Hóa chất 21), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) là cơ sở sản xuất hỏa cụ duy nhất của ngành CNQP nước ta, sản phẩm được ví như "trái tim vũ khí". Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cung cấp các sản phẩm của nhà máy không chỉ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh mà còn đáp ứng nhu cầu dân sinh, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, ngày 7-9-1966, Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần ký quyết định tách Phân xưởng Bộ lửa thuộc Nhà máy Z2 thành một xưởng riêng trực thuộc Cục Quân giới, lấy tên là Xưởng Bộ lửa, tiền thân Nhà máy Z121 ngày nay. Nhiệm vụ của nhà máy là nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm hỏa cụ-“trái tim của vũ khí” dùng để phát hỏa cho bộ phận trung tâm của đạn, mìn, tăng cường uy lực vũ khí, giúp cho bộ đội chiến đấu hiệu quả trên chiến trường. Với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn khi ấy, song được sự giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc của chính quyền, nhân dân địa phương, với ý chí quyết tâm, sự sáng tạo và tinh thần của những người lính thợ quân giới, nhiều sản phẩm vũ khí của Nhà máy Z121 đã ra đời tại các nhà xưởng ở khu rừng Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nơi nhà máy đứng chân. Đó là hàng triệu hạt lửa, bộ lửa lựu đạn, ngòi nổ cho các loại mìn, bộc phá, đặc biệt là liều phóng đạn cối 160mm, mồi lửa cho đạn pháo 155mm để đồng bộ vũ khí... kịp thời chi viện cho bộ đội trên các chiến trường miền Nam đánh Mỹ, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Sau ngày miền Nam giải phóng, nhà máy tiếp tục nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc trên các dây chuyền hiện có; đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều công trình, dự án có giá trị kinh tế quan trọng đã ra đời thay thế cho sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài, như: Sản xuất thuốc đen, dây cháy chậm, thuốc nổ công nghiệp, sản xuất kíp vi sai điện, kíp vi sai phi điện, kíp vi sai an toàn hầm lò... phục vụ công tác khai thác tại các công trường, hầm mỏ, cầu đường trên khắp mọi miền đất nước, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động, mang lại giá trị kinh tế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Từ năm 2002 trở lại đây, Nhà máy Z121 đã đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa về công nghệ, ứng dụng nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có hàm lượng kỹ thuật cao phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, trong đó ưu tiên thực hiện các đề tài nghiên cứu cải tiến dùng cho các vũ khí hiện đại như: Các loại bộ lửa KB-2Y, KB-4, KB-5Y... dùng cho các loại đạn pháo; các loại liều phóng, liều mồi dùng cho đạn chống tăng, các loại kíp nổ, hạt lửa theo công nghệ mới dùng cho các loại đạn, ngòi, mìn...

Mặt khác, nhà máy cũng chủ động đầu tư các dây chuyền công nghệ mới như: Dây chuyền đổi mới nâng cao chất lượng hỏa cụ; dây chuyền nhồi nén kíp nổ tự động; dây chuyền tự động sản xuất dây nổ chịu nước; dây chuyền công nghệ sản xuất pháo hoa và kho chứa vật tư quốc phòng; dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương... thay thế cho hệ thống dây chuyền trang bị trước đây, cùng nhiều dự án quan trọng khác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đây, nhiều sản phẩm quốc phòng, kinh tế của nhà máy (kíp nổ, dây cháy chậm, thuốc nổ, pháo hoa...) đã khẳng định được chất lượng, uy tín đối với khách hàng sử dụng; nhất là sản phẩm pháo hoa đã chinh phục được các khách hàng khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp...

Nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra ngày càng cao của nhiệm vụ sản xuất quốc phòng cũng như việc phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm kinh tế, nhà máy đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Bằng nhiều biện pháp tích cực như đào tạo, bồi dưỡng, điều động tăng cường cán bộ có trình độ, năng lực tốt tham gia vào nghiên cứu một số sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, trong giai đoạn 2015-2019, nhà máy đã tổ chức nghiên cứu, chế thử và chế tạo thành công các sản phẩm quốc phòng tiêu biểu như: Các loại bộ lửa UDP 1-3, UDP 2-3, DP4-1, PP-9 RS... dùng cho hải quân, không quân; các loại liều phóng ĐCT-7, ĐCT 29 cho đạn chống tăng thế hệ mới, liều phóng cho đạn cối tăng tầm... Những kết quả đạt được trong nghiên cứu phát triển sản phẩm trên đã giúp nhà máy vươn lên trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của Tổng cục CNQP. Tăng trưởng bình quân hằng năm của nhà máy đều đạt từ 4 đến 6%/năm trong 10 năm trở lại đây. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất của nhà máy đạt 1.651 tỷ đồng; giá trị doanh thu đạt 1.520 tỷ đồng; nộp ngân sách 141 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 12,8 triệu đồng/người/tháng dẫu chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy luôn chú trọng, quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, nền nếp chính quy, môi trường, điều kiện làm việc; bảo đảm chế độ chính sách cho người lao động; củng cố, xây dựng bộ máy tinh gọn, thích ứng nhanh với cơ chế mới; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhà máy trong thời đại công nghệ số, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

55 năm xây dựng, phát triển, nhà máy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1989), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2004)... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Cụm công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí bộ binh” của nhà máy được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2012); công trình “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu nổ công nghiệp” được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước (2005) về lĩnh vực khoa học công nghệ cùng nhiều Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH): Giải thưởng Quả cầu vàng, Cúp vàng ISO... Trong dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, nhà máy đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21