Bản in
Giải pháp nâng cao điểm chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index-GII) của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, đã có những tiến bộ đáng kể và tiếp tục duy trì xu hướng hướng tích cực, nhưng một số hạn chế đã bộc lộ. Bởi vậy, từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị để giúp cải thiện GII của Việt Nam trong thời gian tới.

GIỚI THIỆU

Nghiên cứu này hướng đến mục tiêu xây dựng khung giải pháp hiệu quả giúp cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index-GII) của Việt Nam. Khung giải pháp được đề xuất dựa trên phân tích hệ thống phương pháp luận và đánh giá của GII, qua đó tổng hợp các kết quả đánh giá về mặt điểm số của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020.

Bài nghiên cứu làm rõ khung đo lường đánh giá của GII trên cơ sở 2 chỉ số tổng hợp chính là: Chỉ số tổng hợp đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) và Chỉ số tổng hợp đầu ra ĐMST, với 7 trụ cột đo lường và 80 chỉ số thành phần. Dựa trên các kết quả được tổng hợp trong năm 2020, nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố quan trọng cần cải thiện và phát huy, đồng thời cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng chương trình hành động dựa trên điểm số đánh giá, thay vì dựa trên vị trí xếp hạng như đa số các báo cáo đã công bố nhằm nâng cao điểm GII của Việt Nam…

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 bởi Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD), sau đó là sự tham gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) vào năm 2011 và đại học Cornel của Mỹ vào năm 2013, GII hiện được vận hành bởi WIPO với mục tiêu đo lường hiệu quả của hệ sinh thái ĐMST.

Sau 13 kỳ đánh giá kể từ năm 2007, GII ngày càng được chính phủ nhiều nước trên thế giới áp dụng rộng rãi như là một thước đo tiêu chuẩn làm cơ sở định hướng, triển khai thúc đẩy khởi nghiệp (KN) và ĐMST. Đến nay, GII được áp dụng ở 131 quốc gia và nền kinh tế, với 80 tiêu chí đo lường, đánh giá bao quát từ thể chế chính trị, giáo dục, đến cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh...

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này khái quát thành quả, hạn chế sau 4 năm (giai đoạn 2017-2020) Việt Nam áp dụng khung đo lường GII vào hoạt động đánh giá quản lý điều hành chính sách thúc đẩy Hệ sinh thái KN và ĐMST quốc gia, từ đó đề xuất khung giải pháp hiệu quả giúp cải thiện GII của Việt Nam. Tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu này chủ yếu được tổng hợp từ các báo cáo đánh giá GII, các nghiên cứu đã được công bố trên các trang thông tin chuyên ngành, kênh truyền thông chính thống của các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ, cũng như các báo cáo quốc tế...

GII có 2 chỉ số tổng hợp chính gồm: Chỉ số tổng hợp đầu vào ĐMST và Chỉ số tổng hợp đầu ra ĐMST (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019). Trong đó, Chỉ số đầu vào bao gồm 5 trụ cột phản ánh các yếu tố tạo điều kiện hoặc gây tác động đến việc hình thành và phát triển của ĐMST gồm: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Tính hoàn thiện của thị trường và Tính hoàn thiện của kinh doanh. Chỉ số đầu ra bao gồm 2 trụ cột có thể định lượng rõ ràng nhằm đánh giá kết quả của hoạt động ĐMST gồm: Đầu ra kiến thức và công nghệ, Đầu ra sáng tạo (Bảng 1).

Bảng 1: Các trụ cột đo lường của GII

Nguồn: Báo cáo GII năm 2020

Trụ cột 1 - Thể chế (Instutions): là hợp thành giữa cấu trúc chính trị, quy định pháp luật và quan hệ xã hội, tạo khuôn khổ định vị cơ chế thực thi của từng thành tố kinh tế, chính trị, xã hội và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Trong đó, Thể chế tác động đến các cấp tương tác trong hệ sinh thái KN và ĐMST từ khối nhà nước, khối tư nhân, viện nghiên cứu, cộng đồng chuyên gia và mỗi cá thể trong xã hội. Trụ cột này được đánh giá thông qua 3 nhóm chỉ số: Môi trường chính trị, Môi trường pháp lý, Môi trường kinh doanh, với 7 chỉ số thành phần.

Trụ cột 2 - Nguồn nhân lực và nghiên cứu (Human Capital and Research): được đánh giá là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh từ cấp cơ sở đến quốc gia, trong đó có năng lực ĐMST. Trụ cột này có 12 chỉ số thành phần, đánh giá tổng thể hoạt động phát triển nguồn nhân lực có khả năng tham gia vào hoạt động ĐMST...

Trụ cột 3 - Cơ sở hạ tầng (Infrastructure): gồm 3 nhóm chỉ số là: Công nghệ thông tin và truyền thông, Cơ sở hạ tầng chung, Bền vững sinh thái, với 10 chỉ số thành phần.

Trụ cột 4 – Tính hoàn thiện của thị trường (Market Sophistication), gồm 3 nhóm chỉ số là: Tín dụng; Đầu tư; Thương mại, cạnh tranh và quy mô thị trường, với 9 chỉ số thành phần đánh giá nguồn lực và điều kiện nội tại của thị trường hỗ trợ cho hoạt động ĐMST.

Trụ cột 5 – Tính hoàn thiện của kinh doanh (Business Sophistication): được xây dựng với mục đích khẳng định vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đối với hoạt động ĐMST. Trụ cột này gồm 3 nhóm chỉ số là: Nguồn nhân lực có kiến thức, Liên kết sáng tạo, Hấp thu kiến thức. Đây là trụ cột có nhiều chỉ số thành phần nhất, với 15 chỉ số.

Trụ cột 6 – Đầu ra kiến thức và công nghệ (Knowledge and Technology Outputs): có 3 nhóm chỉ số để đo lường gồm: Sáng tạo kiến thức, Tác động của kiến thức, Lan tỏa kiến thức, với tổng cộng 14 chỉ số thành phần.

Trụ cột 7 – Đầu ra sáng tạo (Creative Outputs): gồm 3 nhóm chỉ số là: Tài sản vô hình, Hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, Sáng tạo trực tuyến, với tổng cộng 13 chỉ số thành phần.

Để đảm bảo khách quan, cơ sở khuyến nghị của bài nghiên cứu căn cứ chủ yếu vào kết quả đánh giá của Báo cáo GII năm 2020 và đối chiếu với điểm chỉ số thành phần, thay vì so sánh xếp hạng như phần lớn các báo cáo hiện nay để làm căn cứ đề xuất phương án tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, đồng thời cải thiện những hạn chế còn tồn tại trong giai đoạn 2017-2020.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Trong bảng xếp hạng GII năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế (Bảng 2).

Tuy Việt Nam vẫn giữ được thứ hạng thứ 42, nhưng phần lớn điểm thành phần giảm do tác động chung của đại dịch Covid-19. Bởi vậy, để đánh giá chính xác chất lượng ĐMST của Việt Nam giai đoạn 2019-2020, cần xem xét theo điểm chỉ số thay vì thứ hạng toàn cầu (Bảng 3).

Bảng 2: Điểm số thành phần GII của Việt Nam giai đoạn năm 2017-2020

Nguồn: Báo cáo GII và tổng hợp của tác giả

Trong tổng 7 trụ cột thì trong năm 2020 có tới 4 trụ cột bị giảm điểm so với năm 2019 là: Nguồn nhân lực và Nghiên cứu giảm 5,1 điểm, Cơ sở hạ tầng giảm 3,6 điểm, Tính hoàn thiện của thị trường giảm 4 điểm, Đầu ra kiến thức và công nghệ giảm 3,9 điểm; 2 trụ cột gần như đi ngang gồm: Thể chế và Đầu ra sáng tạo; chỉ có 1 trụ cột tăng điểm là Tính hoàn thiện của kinh doanh tăng 4,5 điểm.

Tuy chỉ tăng 4,5 điểm, nhưng trụ cột Tính hoàn thiện của kinh doanh lại đóng góp đáng kể vào thứ hạng GII của Việt Nam, khi tăng đến 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019. Trong đó, điểm thành phần cải thiện đáng kể là Nguồn nhân lực có kiến thức tăng 7,7 điểm) và Hấp thụ kiến thức tăng 6,5 điểm, thể hiện thành quả từ các chính sách phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ đã và đang có hiệu quả, đi đúng với định hướng trong bối cảnh Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng lao động trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gần đây nhất là hiệp định EVFTA. Có nhiều yếu tố quan trọng góp phần cải thiện Tính hoàn thiện của kinh doanh, trong đó phải kể đến các chính sách quan trọng, như: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”; Nghị định số 84/2020/NĐ-CP, ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; việc Chính phủ phân công cụ thể Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối phối hợp cùng với các bộ ngành liên quan đồng hành với chính quyền các cấp trong cải thiện chỉ số ĐMST.

Bên cạnh cải thiện về nguồn nhân lực chất lượng cao, WIPO đánh giá cao về năng lực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam với việc các chỉ số thành phần liên quan đến lĩnh vực này, như: Chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông tăng 5,3 điểm, Sáng tạo trực tuyến tăng 13,7 điểm, Lan toả kiến thức tăng 4,6 điểm, góp phần vào cải thiện thứ hạng của Việt Nam khi giúp Trụ cột 3 - Cơ sở hạ tầng tăng 9 bậc, Trụ cột 7 – Đầu ra sáng tạo tăng 9 bậc...

Tuy Chỉ số Tác động của kiến thức vẫn được WIPO đánh giá là thế mạnh của Việt Nam, nhưng năm 2020, Chỉ số này sụt giảm lớn nhất khi giảm tới 19,3 điểm, xuống còn 37,2 điểm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do, điểm chỉ số thành phần Chứng chỉ chất lượng ISO 9001 bị sụt giảm tỷ trọng khi so với GDP. Cũng được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam, nhưng Chỉ số Cơ sở hạ tầng chung và Bền vững sinh thái thuộc Trụ cột Cơ sở hạ tầng đồng loạt giảm điểm và tác động tiêu cực đến điểm số của Trụ cột này. Chỉ số Cơ sở hạ tầng chung giảm 10 điểm, xuống còn 29,3 điểm, do tỷ trọng hình thành vốn gộp trên GDP sụt giảm. Chỉ số Bền vững sinh thái giảm 6,2 điểm, xuống còn 23 điểm, với nguyên nhân chủ yếu là chỉ số thành phần Hiệu suất môi trường tiếp tục bị đánh giá là điểm yếu của Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Chỉ số Giáo dục thuộc trụ cột Nguồn nhân lực và Nghiên cứu, tuy duy trì được mức điểm từ năm 2017 đến năm 2019, nhưng đã không còn là thế mạnh của Việt Nam khi so với các nước có cùng thu nhập. Trong năm 2020, Chỉ số này đột ngột giảm tới 13 điểm, khi giãn cách xã hội được thực hiện để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó giáo dục chịu tác động rất lớn khi các hoạt động giảng dạy và học tập được chuyển sang hình thức trực tuyến. Dịch Covid-19 cũng tác động lớn đến các hoạt động kinh tế, khiến cho mức chi ngân sách và vốn đầu tư cho giáo dục sụt giảm mạnh...

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Việt Nam cần xây dựng khung đo lường đổi mới sáng tạo của riêng Việt Nam trên cơ sở phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng và địa phương để có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST hiệu quả.

Nhìn chung, giai đoạn 2017-2020, ĐMST của Việt Nam đã gặt hái được những tiến bộ đáng kể và tiếp tục duy trì xu hướng hướng tích cực, khi là một trong ba nền kinh tế được WIPO đề xuất là quốc gia vượt trội về ĐMST trong 10 năm liên tiếp. Tuy nhiên, có đến 3/5 trụ cột thế mạnh ghi nhận giảm điểm trong năm 2020, qua đó cần xây dựng chính sách và chiến lược phát triển phù hợp để khắc phục. Cụ thể, tuy trụ cột Cơ sở hạ tầng ghi nhận đột phá về thứ hạng trong năm 2020, khi tăng đến 9 bậc và lần đầu tiên trở thành thế mạnh của ĐMST Việt Nam, nhưng trụ cột này lại ghi nhận giảm điểm lần đầu tiên kể từ năm 2017 và điểm yếu về chỉ số thành phần – Hiệu suất môi trường tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. 2 trụ cột thế mạnh còn lại đồng thời bị giảm điểm và thứ hạng là Tính hoàn thiện của thị trường (giảm 3 điểm và 5 bậc), đặc biệt là sự sụt giảm mạnh ở Chỉ số Đầu tư, khi là năm thứ 3 liên tiếp WIPO đánh giá là điểm yếu của Việt Nam; trụ cột Đầu ra Kiến thức và Công nghệ giảm 3,9 điểm và 10 bậc...

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị giúp cải thiện GII của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và thực thi chiến lược của đội ngũ nhân sự quản lý nhà nước, khẳng định vai trò kiến tạo và là đầu tàu thúc đẩy ĐMST, đặc biệt trong công tác quản lý điều hành và xây dựng chính sách thông qua các chiến lược quốc gia về Chính phủ điện tử, số hóa thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu về kết nối và tổng hợp/xử lý dữ liệu lớn giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Cần tận dụng các FTA thế hệ mới để đẩy nhanh quá trình trao đổi, chuyển giao công nghệ thông tin và truyền thông với các nước nhằm cải thiện điểm số của trụ cột Tính hoàn thiện của kinh doanh và Cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, Chính phủ cần ban hành cụ thể quy chế hình thành và quản lý loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm, các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích nguồn vốn từ khu vực tư nhân, cũng như các loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ và ĐMST, để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo, qua đó thúc đẩy ĐMST toàn diện trên các lĩnh vực.

Thứ ba, việc Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, khẳng định vai trò của ngành giáo dục là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, giáo dục cần liên kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường. Hệ thống giáo dục cũng cần tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng tăng hoạt động thực hành, nhất là giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Phát triển văn hoá và tư duy khởi nghiệp từ cá nhân đến tổ chức, đặc biệt cần xây dựng chương trình thực tập nhằm ươm tạo cộng đồng doanh nhân tương lai có năng lực sáng tạo, để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong hệ thống quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có thể cải thiện bền vững trụ cột Tính hoàn thiện của kinh doanh (Nguồn nhân lực có kiến thức) và Nguồn nhân lực và Nghiên cứu (Chỉ số giáo dục).

Thứ tư, Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực thực thi nhằm tăng nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001, qua đó cải thiện đáng kể điểm số của trụ cột Cơ sở hạ tầng (Chỉ số Bền vững sinh thái).

Thứ năm, được đánh giá là tiêu chí đo lường của Chỉ số hàng hoá và dịch vụ sáng tạo (thuộc trụ cột Đầu ra sáng tạo), thị trường truyền thông và giải trí cần được Chính phủ quan tâm phát triển hơn nữa. Đài truyền hình Việt Nam và các đài truyền hình ở các thành phố lớn như HTV (TP. Hồ Chí Minh), THP (Hải Phòng) cần sáng tạo thêm nhiều chương trình truyền hình hỗ trợ tuyên truyền kiến thức, thúc đẩy tinh thần kinh doanh nói chung, cũng như phong trào đổi mới sáng tạo nói riêng. Các nhà sản xuất phim truyện và chương trình truyền hình cần được hưởng các chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ vốn và ưu đãi thuế trên tinh thần là các đơn vị hoạt động xã hội thay vì kinh doanh thuần túy.

Thứ sáu, trên cơ sở tham khảo thành tựu của GII, Việt Nam cần xây dựng khung đo lường đổi mới sáng tạo của riêng Việt Nam trên cơ sở phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng và địa phương để có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy Hệ sinh thái KN và ĐMST hiệu quả.

Thứ bảy, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) cùng với hội/hiệp hội và các bộ, ngành liên quan cần phối hợp và đảm nhận vai trò kết nối các thành tố trong hệ sinh thái KN và ĐMST quốc gia, thúc đẩy liên kết nghiên cứu sáng tạo giữa các viện nghiên cứu – khối trường – doanh nghiệp – cá nhân/nhà khoa học – đơn vị hỗ trợ KN và ĐMST, để cung cấp đầy đủ các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là vốn và nhân lực chất lượng cao cho ĐMST./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII

Chính phủ (2020). Nghị định số 84/2020/NĐ-CP, ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục

Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”

Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Đổi mới sáng tạo để bứt phá, truy cập từ https://bit.ly/2Paqa70

Bộ Khoa học và Công nghệ (2020). Giới thiệu báo cáo chỉ số GII năm 2020 và kết quả của Việt Nam, truy cập từ https://bit.ly/31w3hxo

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, (2019). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019 và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, truy cập từ https://bit.ly/2PEk66q

Wipo (2020). Global Innovation Index 2020

ThS. Trần Đình Long

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân